Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Quách Phi Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất XNK Bảo Ngọc Bình Phước (viết tắt là Công ty Bảo Ngọc) ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước, cho biết đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và nhiều bộ, ngành việc công ty ông bị khởi tố oan, sai.
“Phía hải quan cho rằng tôi tổ chức nhập lậu gỗ nên ra quyết định khởi tố vụ án. Hàng hóa bị “giam”, tôi bị cấm xuất cảnh trong một thời gian dài nên đã không thể giải quyết các yêu cầu của đối tác dẫn đến doanh nghiệp bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Sự việc xảy ra đã 22 tháng qua, đến nay Cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an và tỉnh Bình Phước kết luận chúng tôi không buôn lậu gỗ nhưng phía hải quan vẫn chưa chịu giải tỏa hàng” - ông Long nói.
Vụ án “buôn lậu gỗ” ồn ào
Theo ông Long, từ ngày 29-11-2013 đến ngày 7-12-2013, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan (gọi tắt là Cục Điều tra) phối hợp kiểm tra 12 container gỗ (gần 322 m3) ở cảng Cát Lái. Số gỗ này được nhập vào cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước). Qua kiểm tra cho thấy toàn bộ đều là gỗ giáng hương, không phải là gỗ trắc như nghi vấn ban đầu.
Ông Long khẳng định số gỗ này được Công ty Bảo Ngọc nhập khẩu theo hợp đồng đã ký với Công ty LoKo Tranding Import Export (Lào) vào cuối tháng 6-2011. Số gỗ đi quá cảnh qua Campuchia vào Việt Nam để xuất bán cho một công ty ở Đan Mạch theo hợp đồng đã ký. Việc nhập khẩu theo đúng thủ tục và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho phép mở tờ khai tạm nhập và tái xuất (cùng ngày 18-11-2013). “Trước khi nhập gỗ, Công ty Bảo Ngọc đã có văn bản xin hướng dẫn các bộ, ngành liên quan về quy trình nhập số gỗ trên và công ty đã thực hiện theo quy trình được hướng dẫn” - ông Long nói.
Tuy vậy, ngày 22-11-2013, tổ công tác của Cục Điều tra đã không cho thông quan xuất khẩu lô hàng đi nước thứ ba theo hợp đồng giữa Công ty Bảo Ngọc và công ty ở Đan Mạch. Toàn bộ 12 container gỗ tại cảng Cát Lái bị tạm giữ cho đến nay.
Cùng ngày 22-11-2013, Hải quan cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) cũng kiểm tra 100% lô gỗ của Công ty Bảo Ngọc. Kết quả cho thấy đây là gỗ hương, cẩm lai đúng như khai báo, song cơ quan hải quan cho biết không giải quyết vì Công ty Bảo Ngọc đang bị điều tra.
Như vậy, chủng loại gỗ kiểm tra là đúng theo khai báo và không có gỗ trắc như nghi vấn ban đầu. Dù vậy, gần giữa tháng 5-2014, Cục Điều tra vẫn ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Hơn ba tháng sau, Cục Điều tra tiếp tục khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra ở cửa khẩu quốc tế Dinh Bà.
Câu chuyện này gây nhiều ồn ào vào lúc này vì đây là lần đầu tiên Cục Điều tra ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu gỗ đối với Công ty Bảo Ngọc, được xem là một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất của Bình Phước. Ngoài ra, một số cán bộ hải quan ở cửa khẩu Hoa Lư còn bị xem xét trách nhiệm.
Ông Quách Phi Long, Phó Giám đốc Công ty Bảo Ngọc, đứng cạnh các container gỗ bị hải quan giữ tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
C44 thông báo đình chỉ vụ án buôn lậu mà cơ quan hải quan đã khởi tố. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Công an đình chỉ điều tra
Vài ngày sau khi khởi tố, Cục Điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44). Đến giữa tháng 4-2015, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với vụ án hình sự buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu Dinh Bà.
C44 cũng chuyển giao hồ sơ vụ án buôn lậu ở cửa khẩu Hoa Lư cho PC46 - Công an tỉnh Bình Phước. Sau đó ngày 12-9, PC46 Bình Phước ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì không cấu thành tội phạm. Theo PC46, kết quả trả lời ủy thác tư pháp của VKSND tỉnh Champasak (Lào) xác định TAND tỉnh Champasak đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty LoKo về hợp đồng mua bán gỗ với Công ty Bảo Ngọc. Việc mua gỗ giữa Công ty Bảo Ngọc với công ty bên Lào là có thật và không đủ cơ sở xác định Công ty Bảo Ngọc buôn lậu gỗ.
Ngoài ra, PC46 Bình Phước kết luận về ý thức chủ quan không đủ cơ sở xác định ông Long - Phó Giám đốc Công ty Bảo Ngọc buôn lậu gỗ vì trước khi nhập khẩu ông Long đã có công văn hỏi Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan Hoa Lư cũng xác định hồ sơ nhập khẩu gỗ của Công ty Bảo Ngọc là đầy đủ, hợp lệ và cho thông quan.
Theo PC46, yêu cầu của Cục Điều tra về việc Công ty Bảo Ngọc phải xuất trình chứng từ thể hiện hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp từ Lào, xuất trình giấy phép cho quá cảnh qua Campuchia là không phù hợp. Theo Công văn 2491 của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Công Thương ngày 10-5-2013 thì hải quan Việt Nam không có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng từ ngoài bộ hồ sơ hải quan nói chung và các chứng từ liên quan đến quản lý hàng quá cảnh của Campuchia nói riêng.
Ngoài ra, hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Campuchia và Việt Nam không quy định doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp chứng từ hồ sơ, giấy phép nước cho quá cảnh (Campuchia); không quy định phía Campuchia phải gửi hồ sơ quá cảnh cho Việt Nam. Theo PC46, hiệp định và hồ sơ hải quan đều không quy định phải có giấy phép quá cảnh khi làm thủ tục nhập gỗ. Do vậy, PC46 kết luận hành vi nhập khẩu gỗ của những người có trách nhiệm ở Công ty Bảo Ngọc không cấu thành tội phạm.
Cơ quan điều tra đề nghị trả lại gỗ Theo Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, mọi thẩm quyền giải quyết số gỗ trên thuộc về lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thuộc Tổng cục. Đầu tháng 10-2015, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra có văn bản gửi Công ty Bảo Ngọc cho biết vụ án hiện thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT của Bộ Công an (C44) nên đề nghị Công ty Bảo Ngọc liên hệ với C44 để được xem xét giải quyết. Trong khi đó, C44 và PC46 Bình Phước cho biết các vụ án đã bị đình chỉ. PC46 Bình Phước còn kiến nghị xử lý vật chứng bằng hình thức trả lại toàn bộ số gỗ cho Công ty Bảo Ngọc bị Cục Điều tra thu giữ. Một lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước cũng cho biết vụ án qua các bước điều tra các cơ quan liên quan đã họp liên ngành và kết luận đình chỉ vụ án buôn lậu. Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ với Cục Điều tra để tìm hiểu thêm thông tin về chuyện giải tỏa số gỗ song vẫn chưa gặp được người có trách nhiệm, chưa được trả lời. |