Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị Hải quân Mỹ cắt giảm hai tàu sân bay và bổ sung hàng chục tàu chiến nổi không người lái hoặc tàu chiến hạng nhẹ có người lái, tạp chí Defense News ngày 21-4 đưa tin.
Một đánh giá nội bộ của Lầu Năm Góc cho rằng Hải quân Mỹ cần có chín tàu sân bay (giảm hai chiếc so với số lượng hiện tại là 11 chiếc) và 65 tàu chiến nổi không người lái hoặc tàu chiến hạng nhẹ có người lái.
Báo cáo cũng cho rằng Mỹ nên gia tăng đáng kể lượng tàu chiến nhỏ để đảm bảo lực lượng trực chiến có khoảng 55-70 chiếc và tiếp tục duy trì khoảng 80-90 tàu chiến lớn tham gia trực chiến.
Bản đánh giá là một phần hoạt động xem xét toàn diện cấu trúc lực lượng hải quân do Lầu Năm Góc thực hiện. Nó cũng phù hợp với quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper về việc giảm tầm quan trọng của tàu sân bay và tập trung nhiều hơn vào công nghệ vũ khí không người lái.
Tàu sân bay Dwight D. Eisenhower. Ảnh: DEFENSE NEWS
Ông Jerry Hendrix, một đại úy hải quân đã về hưu và là một thành viên cao cấp thuộc nhóm phân tích quân sự Telemus Group cho rằng việc cắt giảm hai tàu sân bay sẽ làm thay đổi vĩnh viễn cách Hải quân Mỹ hiện diện quân sự bên ngoài lãnh thổ. Việc cắt giảm này cũng sẽ buộc lực lượng này suy nghĩ lại về mô hình mở rộng quyền lực trên phạm vi toàn cầu.
Trong kịch bản chỉ còn chín tàu sân bay, Hải quân Mỹ sẽ luân phiên triển khai trực chiến 6-7 chiếc, đưa 1-2 chiếc đi bảo trì và một chiếc được đại tu.
Ông Hendrix nói rằng "các mô hình triển khai lực lượng mà chúng ta (tức là Hải quân Mỹ - PV) đã thiết lập - và chúng ta vẫn còn duy trì - được phát triển với khoảng 15 tàu sân bay" để có thể chia ra hiện diện ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương.
Ông cho rằng đề xuất của Lầu Năm Góc có thể tạo ra một mô hình mới để Hải quân triển khai các tàu sân bay: Chuyển từ việc hiện diện thường xuyên sang việc điều động nhanh khi cần và tăng cường tập trận.
Mô hình điều động nhanh sẽ đồng nghĩa với việc không còn yêu cầu các tàu sân bay phải hiện diện lâu dài ở một khu vực và chúng chỉ được điều đến một hạm đội nào đó của Hải quân Mỹ khi cần thiết, ông Hendrix phân tích.
Bộ trưởng Esper đang rất quan tâm tới việc cải tổ cấu trúc Hải quân để xây dựng một lực lượng Hải quân nhẹ hơn, song ông vẫn khẳng định các quyết định này còn tùy thuộc vào kế hoạch tác chiến của toàn bộ quân đội Mỹ.
Ông cũng kỳ vọng việc này sẽ trở thành một sự kiện bước ngoặt cho cả hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ.
Ông Craig Hooper, cây bút bình luận quân sự của tạp chí Forbes, chỉ trích đề xuất của Lầu Năm Góc. Ông cho rằng việc phụ thuộc vào các tàu hạng nhẹ sẽ làm giảm năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, theo hãng tin Sputnik.
Ông cũng cho rằng nếu kế hoạch được thực hiện thì "khi Trung Quốc và Nga nổi lên, Hải quân Mỹ không còn có thể lên kế hoạch hoạt động ở các vùng biển lặng".
Hiện nay, Mỹ đang hướng tới xây dựng lực lượng Hải quân với hạm đội 355 tàu chiến trước năm 2050. Trong năm ngoái, Hải quân Mỹ đã tiếp nhận hai tàu sân bay mới thuộc lớp Ford và loại biên tàu sân bay USS Harry Truman-con tàu đã được triển khai từ cuối thế kỷ trước.
Mỹ đang gặp vấn đề tài chính để có thể hoàn thành mục tiêu trên, cũng như để vận hành lực lượng tàu hiện có. Theo Defense News, kế hoạch của ông Esper tập trung hơn vào các tàu chiến nhỏ cũng góp phần giảm áp lực về tài chính cho quân đội Mỹ.