Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến là nhân tố gắn kết tinh thần cộng đồng

(PLO)- Theo Cục Di sản văn hóa, những di sản văn hoá chính là những cột mốc văn hoá, những đường biên giới văn hoá để xác định ranh giới lãnh thổ, khẳng định chủ quyền tổ quốc Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử ký đơn kiến nghị thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để rộng đường dư luận, PLO đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL).

Lễ giỗ bà Phi Yến là một thực hành văn hóa dân gian có sức hút

. PV: Bà có thể cho biết về quy trình thẩm định để đưa di sản Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia?

+ Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: Ngày 27-10-2021, Cục Di sản văn hóa nhận được Tờ trình số 197/TTr-UBND ngày 25-10- 2021 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về việc đề nghị đưa di sản lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau khi nghiên cứu, xét thấy nội dung và thành phần của hồ sơ đáp ứng đúng quy định tại Thông tư 04/2010 của Bộ VH-TT&DL quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (Thông tư 04), ngày 21-1-2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ trưởng đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đúng quy trình thẩm định.

Trên cơ sở thẩm định và khuyến nghị của Hội đồng, ngày 26-1-2022, Cục Di sản văn hóa trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL).

. Bà có thể cho biết những giá trị mà di sản Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến đem lại để di sản này được đưa vào danh mục nêu trên?

Nguyễn Phước tộc tổ chức buổi tọa đàm 'An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".
Nguyễn Phước tộc tổ chức buổi tọa đàm 'An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo – vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".

+ Di sản lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến có các giá trị như sau: Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng trong lễ giỗ (với hạt nhân tín ngưỡng là tục thờ bà Phi Yến, một nhân vật được ghi nhận qua truyền thuyết), cùng không gian văn hóa vật chất liên quan phản ánh quá trình sáng tạo, thực hành, kế thừa, trao truyền văn hóa của cộng đồng cư dân Côn Đảo trong lịch sử khai thác đảo và phát triển cuộc sống trên đảo.

Tín ngưỡng thờ bà Phi Yến trên đảo, cùng các thực hành văn hóa liên quan, cụ thể là lễ giỗ bà là nhân tố gắn kết tinh thần cộng đồng, đã được sáng tạo, thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ, tích tụ nhiều lớp văn hóa, vẫn tiếp tục phát huy tác dụng đối với cuộc sống đương đại của cư dân trên đảo.

Giá trị nghệ thuật của di sản gắn liền với di tích, cùng các thực hành, sinh hoạt văn hóa phi vật thể là kết quả dung hội và tiếp biến văn hóa của cư dân Côn Đảo trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa với các cộng đồng dân cư khác, phản ánh quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của cộng đồng.

Lễ giỗ bà Phi Yến là một thực hành văn hóa dân gian có sức hút, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và du khách thập phương. Ước tính, trung bình mỗi ngày huyện Côn Đảo đón khoảng 3.036 lượt khách và hằng năm có khoảng hơn 1 triệu khách thập phương đến thăm viếng miếu thờ bà Phi Yến.

Những con số này, phần nào khẳng định được sức hấp dẫn và giá trị của những di sản gắn với bà Phi Yến tại Côn Đảo. Đây thực sự là một nguồn tài nguyên văn hóa vô giá mà Côn Đảo lập và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững.

. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết ?

+ Đúng là bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật dù chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết nhưng lại được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa và coi đây là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của lễ hội tại Miếu An Sơn, mà ngày nay được xác định là lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến.

Đây là một biểu đạt văn hoá/thực hành văn hoá đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hoá, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.

Việc đưa di sản này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Đồng thời là sự ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, cũng như vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hoá của họ để tạo nên sự đa dạng văn hoá của các dân tộc Việt Nam, chứ không mang ý nghĩa ghi danh nhân vật trong truyền thuyết hoặc ghi danh câu chuyện lịch sử hay truyền thuyết có liên quan.

Cần phải nói thêm rằng, di sản văn hóa phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết tương tự như trường hợp nhân vật truyền thuyết bà thứ phi Hoàng Phi Yến, ở nước ta, nhiều tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của một số cộng đồng khác gắn với nhân vật truyền thuyết đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia.

Di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận

. Bà có thể dẫn chứng về những di sản văn hóa phi vật thể gắn với nhân vật truyền thuyết tương tự ?

Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến được huyện Côn Đảo tổ chức trang trọng hàng năm-Ảnh: Mạnh Cường
Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến được huyện Côn Đảo tổ chức trang trọng hàng năm-Ảnh: Mạnh Cường

­­+ Có thể kể đến như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Lễ hội Phủ Giầy, Lễ hội đình Chèm...

Trên toàn quốc hiện có 65.900 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó, mới chỉ có 431 di sản được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với 171 di sản thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Hầu hết các lễ hội này đều có những yếu tố “thiêng”, gắn với các thần tích, truyền thuyết liên quan đến các nhân vật được phụng thờ, như thánh, thần được lịch sử hoá (các vị thần/thánh do dân gian sáng tạo được bồi đắp thêm yếu tố lịch sử - như Thánh Gióng). Hoặc nhân vật có thật trong lịch sử lại được huyền thoại hoá (người thật được bồi đắp thêm yếu tố huyền thoại, được “thánh hoá” - như Trần Hưng Đạo) để có chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn hoá dân gian và trong tâm thức cộng đồng. Đó chính là một trong những yếu tố cấu thành di sản văn hoá phi vật thể.

So với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể khó nhận diện và không dễ tiếp cận.

. PGS.TS Đặng Văn Bài trong lần trả lời báo chí gần đây có khẳng định, "đối với di sản lễ giỗ Bà Phi Yến, giá trị quan trọng còn là góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo...", cụ thể là gì thưa bà ?

+ Chúng ta có thể khẳng định lễ giỗ bà Phi Yến là sáng tạo văn hoá, thực hành văn hoá của một cộng đồng người dân Việt Nam sinh sống tại Côn Đảo, như là một dấu ấn văn hoá/cột mốc văn hoá để xác định lãnh thổ này, vùng Côn Đảo này là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam, thuộc phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Khi chúng ta ghi danh một di tích lịch sử - văn hoá/một lễ hội truyền thống vào danh mục di sản quốc gia, đồng nghĩa với việc chúng ta đã xác định di sản văn hoá đó tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, được sáng tạo, duy trì và trao truyền bởi người dân Việt Nam.

Bên cạnh những cột mốc biên giới cụ thể, thì những di sản văn hoá này chính là những cột mốc văn hoá, những đường biên giới văn hoá để xác định ranh giới lãnh thổ, khẳng định chủ quyền tổ quốc Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Ban tư vấn Công ước UNESCO 2003:

"Một số chuyên gia và dòng tộc phản đối vì họ cho rằng ở góc độ lịch sử bà Phi Yến là nhân vật hư cấu, nhưng ở góc độ văn hóa dân gian, cộng đồng cho đó là di sản của họ và họ thực hành lễ hội đó, giỗ đó. Thực hành này có ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội, tâm linh đối với cộng đồng. Dưới góc độ văn hóa phi vật thể người ta coi di sản của cộng đồng, cộng đồng coi đó là một thực hành mà họ tôn thờ.

Hơn nữa, Hội đồng cũng chấm hồ sơ theo quy định của pháp luật, theo mẫu hồ sơ quy định".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm