Trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị xâm phạm, sự xuất hiện những ý kiến trên và sự đồng cảm theo sau là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “bắt buộc” có phải là giải pháp tối ưu để làm cho học sinh yêu môn lịch sử? Tôi nghĩ là không! Học sinh sẽ vẫn chán học sử và vị thế của môn lịch sử trong mắt học sinh, công chúng thậm chí cả giáo viên vẫn thế chừng nào không có cải cách thực sự để trở thành một môn khoa học.
Học sử để làm gì?
Đây là câu hỏi hiển nhiên đến độ việc đặt lại câu hỏi đó giống như là ngớ ngẩn. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì sự sa sút của giáo dục lịch sử trong mấy chục năm qua có quan hệ mật thiết với vấn đề này.
Học lịch sử địa phương tại một trường chuyên ở miền Tây: học sinh tới bảo tàng, thực địa ghi chép, tìm hiểu câu chuyện thay vì đóng khung trong bốn bức tường lớp học. Ảnh T. Dũng |
Thông thường, khi biện luận cho vai trò, chức năng của môn lịch sử người ta thường viện dẫn tác dụng của nó trong việc giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn truyền thống dân tộc, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá khứ... Đó là cách biện giải không bao giờ sai, nhưng chưa đủ. Trong bối cảnh xã hội của nửa đầu thế kỷ XX khi vấn đề độc lập của các dân tộc đang là “câu chuyện lớn”, cách nhận thức và lý giải đó có sức hấp dẫn phi thường. Tuy nhiên, từ khi quá trình toàn cầu hóa và đa giá trị hóa trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự chuyển hướng của giới sử học sang nghiên cứu lịch sử xã hội, ý nghĩa của giáo dục lịch sử trong nhà trường đã được diễn giải ở phương diện khác. Ở đó, vai trò ý nghĩa của nó được thể hiện trong sự “có ích” trực tiếp và trước hết đối với mỗi cá nhân học sinh.
Mỗi học sinh là một thành viên của xã hội. Để sống tốt trong xã hội đó, đương nhiên mỗi học sinh phải nhận thức và lý giải được hiện thực xã hội mà mình đang sống. Hiện thực ấy là một thứ có tính lịch sử. Hay nói cách khác, tất cả những hiện tượng, vấn đề trong xã hội mà con người học sinh đang phải đối mặt hàng ngày chính là kết quả của sự phát sinh, phát triển từ trong quá khứ. Do đó muốn hiểu rõ thực tại, con người cần tới tư duy và phương pháp sử học để khám phá quá khứ trong mối liên hệ với thực tại, phục vụ quá trình nhận thức, lý giải thực tại. Môn lịch sử trong trường phổ thông chính là môn khoa học giúp học sinh có được tư duy và phương pháp đó.
Tư liệu và phương pháp học sử
Có thể nói nhược điểm lớn nhất làm yếu đi tính khoa học của môn lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện tại là lối giáo dục kiểu “minh họa”. Nghĩa là trong quá trình học tập, học sinh rất ít có cơ hội tiếp cận tư liệu đặc biệt là tư liệu gốc - thứ có ý nghĩa sống còn tạo nên tính khoa học của nhận thức. Ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, sách giáo khoa lịch sử giống như một tập hợp về tư liệu lịch sử mà chủ yếu là tư liệu gốc bao gồm tư liệu chữ viết, tư liệu ảnh chụp các hiện vật, di tích lịch sử... với độ chính xác cao. Nhược điểm của sách giáo khoa lịch sử Việt Nam là thiếu vắng tư liệu gốc, các tranh ảnh đưa vào chủ yếu là để “minh họa” cho bài viết. Giữa bài viết và các tranh ảnh, hiện vật đưa ra có một sự thống nhất “hoàn hảo”. Ở đó không hề tồn tại các “khe hở” hay gợi ý có chủ định để người học hình thành nghi vấn từ đó tái khám phá lịch sử thông qua đầu mối là các tư liệu được cung cấp.
Lối dạy học minh họa mang nặng tính áp đặt như trên là hệ quả của việc cho rằng mối quan hệ giữa sử học và giáo dục lịch sử là mối quan hệ về nội dung. Ở đó, giáo dục lịch sử phải truyền đạt các thành tựu nghiên cứu của sử học và cập nhật chúng. Trên thực tế, mối quan hệ giữa sử học và giáo dục lịch sử còn thể hiện ở cả phương diện phương pháp. Nghĩa là giáo dục lịch sử sẽ sử dụng một cách tích cực các phương pháp của sử học. Nhờ đó, quá trình học tập của học sinh cũng sẽ giống quá trình tác nghiệp của nhà sử học. Sản phẩm nhận thức của quá trình đó sẽ khoa học, thực chứng, khách quan và tiệm cận sự thật hơn.Các giờ học lịch sử ở một số trường lớn gần đây đã có cải thiện bằng cách đưa vào nhiều tranh ảnh, phần mềm, hoạt động học tập của học sinh... nhưng xét cho cùng điểm chung nhất giữa chúng vẫn là sự chi phối của tư duy “dạy học minh họa”. Người giáo viên bằng mọi cách làm cho học sinh ghi nhớ và lý giải được các sự kiện và quan điểm đánh giá định sẵn. Trong mô thức giờ học này, các kết luận dường như đến trước thay vì dẫn học sinh vào thế giới của lịch sử bằng các tư liệu. Nói khác đi, các tư liệu ở đây đã được giáo viên dùng minh họa cho các sự kiện để chúng trở nên “sinh động”, “hấp dẫn” thay vì là điểm xuất phát của nhận thức về quá khứ.
“The history” hay “a history”?
Với lối dạy học “minh họa” đã nói, người giáo viên có xu hướng coi kết quả của quá trình học tập lịch sử ở học sinh là các tri thức “chuẩn” giống như giáo viên mong đợi và đã trình bày. Nói khác đi, nhận thức học sinh về lịch sử được thể hiện ra trong các bài kiểm tra hay phát biểu là một dạng “bản sao” nhận thức của giáo viên - thứ được quyết định chủ yếu bởi chương trình và sách giáo khoa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có sự giống nhau đáng kể trong vở ghi, các bài kiểm tra của học sinh ở nhiều địa phương khác nhau.
Việc cố minh họa và nhồi nhét một nhận thức lịch sử duy nhất sẽ dẫn đến hậu quả bộ nhớ của học sinh bị... đầy và rối loạn. Ảnh minh hoạ: Tiền Phong |
Thứ lịch sử mà người giáo viên tạo ra trong đầu học sinh với các sự kiện lịch sử và quan điểm lịch sử được định trước như thế là “lịch sử có tính tuyệt đối” (the history). Thực tế, điều này là bất khả. Nhận thức lịch sử là quá trình không thể diễn ra trực tiếp mà phải thông qua tư liệu. Mỗi học sinh là một thực thể riêng với các trải nghiệm, giá trị quan... khác nhau. Vì vậy, cùng một phương pháp tiếp cận, một tư liệu, một không gian lớp học, một giáo viên nhưng nhận thức thu được sẽ khác nhau và rất phong phú. Nhận thức lịch sử phong phú có tính chủ thể đó là một thứ “lịch sử có tính tương đối” (a history). Trong các nhận thức lịch sử tương đối phong phú mang tính chủ thể này sẽ có những nhận thức có tính thực chứng, lôgic, khách quan. Dưới sự chỉ đạo, trợ giúp của giáo viên và quá trình cọ xát, tranh luận giữa các học sinh, những nhận thức ưu tú nhất, khoa học nhất sẽ được thừa nhận và có ảnh hưởng rộng. Cũng giống như giả thuyết nào thuyết phục nhất của nhà sử học trong số các giả thuyết cùng tồn tại trước cùng một sự kiện, hiện tượng lịch sử sẽ được công nhận rộng rãi. Quá trình học tập lịch sử ở trường học hiện đại phải là quá trình người giáo viên tôn trọng, khuyến khích và phát triển “a history” dựa trên tư liệu và phương pháp sử học thay vì cố gắng nhồi nhét “the history”.
Việc cố minh họa và nhồi nhét một nhận thức lịch sử duy nhất sẽ dẫn đến hậu quả bộ nhớ của học sinh bị... đầy và rối loạn. Hiện tượng học sinh chán học lịch sử và nhầm lẫn sự kiện, nhân vật là biểu hiện cụ thể của hậu quả đó. Trước quyền uy của người thầy, những nhận thức đa dạng của học sinh buộc phải ẩn đi trong các bài kiểm tra hoặc các lời phát biểu trên lớp nhưng nó không hề mất đi mà sẽ thể hiện ở các dạng khác, không gian khác. Điều này lý giải tại sao có rất nhiều học sinh chán học môn sử nhưng lại có mối quan tâm tới lịch sử. Mâu thuẫn này làm lãng phí tiềm năng trí tuệ của tuổi trẻ và cơ hội rèn luyện nó. Sẽ không tưởng nếu chúng ta mong muốn có những công dân ưu tú có tinh thần trách nhiệm và khát vọng cải tạo hiện thực mạnh mẽ nếu ở học sinh không có nhận thức lịch sử khoa học và đa dạng. Thừa nhận và khuyến khích sự đa dạng của nhận thức lịch sử còn có tác dụng lớn trong việc nuôi dưỡng tinh thần khoan dung. Những người tin rằng nhận thức lịch sử có tính đúng đắn duy nhất và tuyệt đối thường có xu hướng cực đoan trong tư tưởng và hành động. Điều này có hại cho quá trình xây dựng quốc gia - xã hội hòa bình, dân chủ và văn minh.
Hiện nay, trên thế giới cho dù tồn tại nhiều trường phái sử học nhưng phần lớn các nhà sử học đều thống nhất rằng sử học và giáo dục lịch sử chỉ thực sự có ích cho đời sống mỗi cá nhân và sự tiến bộ của cộng đồng khi nó giúp con người tiệm cận sự thật. Trong trường học, muốn làm được điều đó, lịch sử phải trở thành môn khoa học giống như các môn học khác như toán học, hóa học, sinh học... Nghĩa là ở đó, mục tiêu của nó phải được minh định rõ ràng và học sinh phải được học tập bằng các phương pháp khoa học, dựa trên tư liệu thực chứng.
___________
* Tác giả bài viết là nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản)