Liên hệ 59 đội bắt chó thả rông trên địa bàn TP.HCM như thế nào?

(PLO)- Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện có 59 đội bắt chó thả rông trên địa bàn TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM đã có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông.

Trong đó, 5 đội ở TP Thủ Đức, 10 đội quận 7, 12 đội quận Gò Vấp, 11 đội quận 12, bảy đội huyện Cần Giờ, sáu đội ở Củ Chi, hai đội ở Hóc Môn, hai đội quận 1, hai đội quận 10, một đội quận Bình Thạnh, một đội quận 6.

Việc thành lập đội bắt chó thả rông nhằm phòng, chống và kiểm soát bệnh dại trên địa bàn một cách hiệu quả và góp phần kiểm soát bệnh dại trên người.

IMG_8145.jpeg
Đội bắt chó thả rông của UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức được thành lập từ tháng 11-2022. Ảnh: TRẦN MINH

Đội bắt chó thả rông sẽ do các địa phương có trách nhiệm thành lập đội bắt chó thả rông, Chi cục sẽ hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cách bắt chó, hỗ trợ xe chuyên dụng, dụng cụ, lồng nhốt và cách xử lý.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM cũng phối hợp UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn, trong đó hỗ trợ 50% chi phí vaccine tại năm huyện ngoại thành là Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi.

IMG_8143.jpeg
Chó thả rông sau khi bắt giữ sẽ được đội bắt chó thả rông đem đến địa điểm thích hợp theo quy định của UBND phường, xã. Ảnh: TRẦN MINH

Trước khi lập đội bắt chó thả rông và đi vào hoạt động, UBND phường, xã sẽ thông báo rộng rãi để người dân khu vực được biết, phản ánh những điểm thường xảy ra tình trạng chó thả rông.

Chó thả rông sau khi bắt sẽ được tạm giữ ở một địa điểm cách xa khu dân cư để không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống người dân. Nếu chủ nuôi muốn nhận lại chó thả rông đã được bắt về UBND phường, xã phải nộp phạt vi phạm hành chính và cam kết không để chó chạy rông.

Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ được UBND cấp phường, xã ban hành quyết định xử theo quy định.

Trao đổi với PLO, ông Mai Hoàng Tiến, thành viên đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh cho biết nếu người dân muốn phản ánh chó thả rông trên địa bàn phường thì sẽ có ba hình thức là: Đường dây tiếp nhận thông tin của UBND phường (0969479586 - 028.37269887), trong hội nhóm Zalo từng khu phố và cổng thông tin 1022 của TP.HCM.

Hiện UBND phường Hiệp Bình Chánh, có 9 khu phố, sau khi người dân phản ánh thì bộ phận văn phòng của UBND phường với bộ phận bên đội ghi nhận lại những địa điểm cụ thể và lên sơ đồ bản đồ để đánh dấu. Ngày ra quân sẽ đi theo những địa điểm mà người dân phản ánh.

đội bắt chó thả rông.jpg
Đội bắt chó thả rông tại phường Tân Thới Nhất, quận 12

Tương tự, tại quận 12, ông Nguyễn Hải Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 cho biết là nơi đầu tiên của quận 12 thành lập đội bắt chó thả rông và đã ra quân xử lý nhiều trường hợp. Chó thả rông sau khi bắt sẽ được tạm giữ 48 giờ tại UBND phường, có khu nuôi nhốt riêng không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống người dân. Nếu chủ nuôi muốn nhận lại chó thả rông đã được bắt về UBND phường phải nộp phạt vi phạm hành chính và cam kết không để chó chạy rông.

"Sắp tới UBND phường sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng của đội bắt chó thả rông trên trang Facebook "Bản tin phường Tân Thới Nhất, các cổng thông tin điện tử của phường và từng khu phố để người dân trên địa bàn phường liên hệ phản ánh chó thả rông một cách nhanh nhất" - ông Lâm cho hay.

PLO sẽ tiếp tục cập nhật thông tin số điện thoại và phương thức liên hệ phản ánh về chó thả rông của 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông tại phường, xã đến quý bạn đọc.

Mỗi phường, xã nên công khai phương thức liên hệ về đội bắt chó thả rông và phối hợp liên phường

Hiện nay TP.HCM đã có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông, một số bạn đọc chia sẻ ý kiến và mong muốn chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này.

. Bạn đọc Thanh Minh: "Tại phường Hiệp Bình Chánh tôi thấy họ làm mô hình này rất hay và hiệu quả, họ cũng công bố số điện thoại đường dây nóng nên người dân thấy chó thả rông có thể phản ánh ngay lập tức".

. Bạn đọc Lý Hải: "Mỗi quận, huyện nên có 1 đến 2 đội và có số điện thoại thông các đội bắt chó thả rông cho người dân biết, nên công bố rộng rãi. Bắt thì tội mà không bắt thì cứ để phóng uế lung tung, cản trở giao thông mà còn nguy hiểm cho mấy đứa trẻ chạy nhảy. Tôi ủng hộ mô hình này!".

. Bạn đọc Nhã Thương: "Mô hình này cần nhân rộng khắp TP.HCM. Theo tôi nếu UBND phường khó khăn trong công tác bố trí lực lượng nhân sự hay vật dụng bắt chó thì hai UBND phường trên địa bàn quận, huyện nên phối hợp với nhau thành lập một đội bắt chó liên phường thì sẽ hay hơn. Cứ 2 phường sẽ có 1 đội bắt chó và chỗ nuôi nhốt trong vòng 48 giờ".

. Bạn đọc Trần Tuấn: "Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Nhã Thương, đội bắt chó thả rông nên thành lập liên phường thì sẽ hiệu quả hơn, thay vì phường A có đội bắt chó thả rông thì phường B không có. Cứ liên phường thì có 1 số điện thoại nóng hoặc 1 nhóm Zalo để người dân phản ánh bằng hình ảnh và địa điểm sẽ thực tế hơn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm