Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vừa tổ chức hội nghị khoa học cận lâm sàng lần thứ nhất với chủ đề Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị.
Hội nghị giới thiệu những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh tế bào máu, biện giải kết quả giải phẫu bệnh tự động bằng sử dụng thuật toán, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong vận hành và quản lý phòng xét nghiệm…
Hội nghị khoa học cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy lần 1 được tổ chức mới đây. Ảnh: BVCC |
Tại hội nghị, BSCK1 Trương Phạm Hồng Diễm (BV Chợ Rẫy) giới thiệu kỹ thuật mới tiên tiến nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư trên thế giới, đó là liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T, hiện chưa có tại Việt Nam.
“Theo thống kê, khi tỉ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm thì ung thư lại tăng và trở thành nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong sau các bệnh lý tim mạch.
Trong rất nhiều thập kỉ, phương pháp điều trị ung thư chủ yếu dựa trên phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, bệnh vẫn có xu hướng tái phát và kháng trị” - BS Diễm cho biết.
Theo BS Diễm, u lympho không Hodgkin là ung thư thường gặp nhất trong huyết học, chiếm 4,3% trong các bệnh lí ung thư và là bệnh lí ác tính đứng thứ 7 về tần suất, với khoảng 544.000 trường hợp được chẩn đoán vào năm 2020.
Trước đây, các u lympho không Hodgkin tiến triển nhanh kháng với liệu pháp điều trị đầu tiên hoặc tái phát sau điều trị ban đầu có liên quan với tiên lượng xấu. Mặc dù đã sử dụng hóa trị cứu vớt và ghép tế bào gốc tự thân, nhưng thời gian sống trung vị nếu tái phát sau ghép tế bào gốc chỉ khoảng 3 tháng.
Sự ra đời của liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T đã thay đổi mô hình điều trị cho những bệnh nhân u lympho không Hodgkin tái phát/kháng trị. Theo đó, CAR-T mang lại tỷ lệ đáp ứng ấn tượng (dao động 60-90%) và khả năng kéo dài thời gian sống (25,8 tháng theo nghiên cứu ZUMA-1) ở những người có bệnh tiến triển mặc dù đã có nhiều liệu pháp điều trị trước đó.
Hàng loạt các thử nghiệm lâm sàng sử dụng CAR-T trong điều trị các bệnh ác tính huyết học như bạch cầu cấp, u lympho, đa u tủy... tái phát kháng trị và đã mang lại những kết quả rất khả quan.
BS Diễm cho biết thêm, từ năm 2017, cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho 6 công ty dược được phép thương mại hóa liệu pháp tế bào CAR-T. Theo dữ liệu đăng kí trên CellTrials.org, tính đến cuối năm 2020, trên toàn thế giới có 1.198 thử nghiệm theo liệu pháp này, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai nước đứng đầu.
“Liệu pháp miễn dịch CAR-T là một bước tiến mới mang tính đột phá trong điều trị u lympho tái phát kháng trị, đang dần được áp dụng triển khai thường qui tại các cơ sở điều trị trên thế giới. Phương pháp này hứa hẹn mang lại những cải thiện tích cực cho những bệnh nhân u lympho không còn hy vọng với các liệu pháp hóa xạ hay ghép tế bào gốc” - BS Diễm nói thêm.