Nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mùa cuối năm của người dân và doanh nghiệp đều tăng cao, nhất là dịp tết Nguyên đán đã cận kề. Thế nhưng, cả người dân lẫn doanh nghiệp đều cho biết họ đang khát vốn trầm trọng.
Đáng chú ý, ngay cả các công ty xuất khẩu vốn mang ngoại tệ về cho đất nước, góp phần giải quyết bài toán bình ổn tỉ giá, có dòng tiền thu về khá ổn định… cũng khó tiếp cận vốn.
Bằng chứng là mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nêu rõ: Nhiều công ty lớn không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu. Thậm chí có công ty đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng khát vốn trên diện rộng của các doanh nghiệp (DN) là do họ rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, nếu vay được thì lãi suất rất cao. Trong khi đó kênh trái phiếu đang bị tắc, huy động vốn không được. Còn thị trường chứng khoán xuống dốc khiến các công ty cũng khó huy động vốn từ kênh này.
Chính phủ mới đây đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu DN và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn và dài hạn.
Các DN kỳ vọng sau chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ triển khai ngay các giải pháp cấp bách để khơi thông nguồn vốn, giải cơn khát vốn của họ. Trong đó bao gồm nới room tín dụng cho một số ngân hàng để họ cho vay sản xuất, kinh doanh, nhất là khi lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát khá tốt và tỉ giá có dấu hiệu ổn định trở lại. Song song đó, Nhà nước đẩy mạnh dòng vốn đầu tư công, khơi thông kênh trái phiếu; miễn, giảm phí, lệ phí… cho DN.
Trong tình thế cấp bách hiện nay, không thể chần chừ mà phải làm ngay, bởi dòng tiền được ví như “dòng máu” của DN. Khơi thông dòng vốn được xem là liều thuốc tối ưu không chỉ cho DN mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế. Vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế nằm ở sức phát triển của DN.