Trước khi đọc biên bản viết tay được thư ký của Nhà hát Kịch TP.HCM ghi lại trong quyển sổ họp vào ngày 30-10-2014, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu ông Âu Ngọc Khánh – trưởng phòng tổ chức hành chánh - nhân sự (đại diện Nhà hát Kịch TP.HCM trong vụ kiện) nộp cho tòa văn bản chính thức ghi lại buổi họp của nhà hát vào chiều ngày 1-11-2014 về việc nhà hát chấm dứt việc hợp tác với Ngọc Trinmh và xác nhận văn bản này là thật.
Ngay sau đó, tòa mời bà Nguyễn Thị Xuân Tuyền – thư ký ghi biên bản viết tay cuộc họp của nhà hát vào ngày 30-10-2014 mà chủ tọa phiên tòa đang cầm trong tay để xác nhận nó là thật và đúng.
Nghệ sĩ Khánh Hoàng - nguyên giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM (áo xanh) và ông Trần Anh Kiệt - giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM hiện nay trước khi vào phiên tòa.
Ngay sau đó chủ tọa phiên tòa đã đọc lớn trước tòa nguyên văn biên bản thư ký viết tay ghi lại cuộc họp ngày 30-10-2014 của Nhà hát Kịch TP.HCM (do ông Trần Quý Bình chủ trì). Theo đó, ông Quý Bình yêu cầu bộ phận trị sự, hành chánh của nhà hát hủy hợp đồng với Ngọc Trinh, hủy vé đã bán ra, hoàn tiền số vé đã bán trên mạng mà nhà hát giữ tiền, không nói thông tin này ra bên ngoài, và những quyết định này đã được ông Trần Khánh Hoàng (lúc đó đang là giám đốc nhà hát) đồng ý.
Đáng chú ý là nội dung của biên bản này khác với nội dung biên bản chiều ngày 1-11-2014 của nhà hát, cho rằng Ngọc Trinh không đồng ý hợp tác nữa và là người chấm dứt hợp đồng trước.
Nghệ sĩ Ngọc Trinh căng thẳng khi trình bày tại phiên tòa.
Trước đó, tại phiên xử chiều ngày 4-7, luật sư của Ngọc Trinh và luật sư của Nhà hát Kịch TP.HCM đã tranh luận căng thẳng về việc bên nào là người chấm dứt hợp đồng trước. Luật sư của Nhà hát Kịch TP.HCM và cả ông Trần Quý Bình đều luôn luôn khẳng định rằng Ngọc Trinh mới chính là người chấm dứt hợp đồng trước, không chịu ký vào hợp đồng do Nhà hát Kịch TP.HCM đưa ra nên nhà hát không có trách nhiệm bồi thường.
Vậy nên, việc công bố biên bản viết tay vào ngày 30-10-2014 tại tòa là một bất ngờ lớn. Nó chứng minh nhà hát đã chủ động và có chủ trương hủy hợp đồng với Ngọc Trinh từ trước khi có một văn bản chính thức về việc này.
Từ trái qua, ông Âu Ngọc Khánh - ông Trần Quý Bình - và nghệ sĩ Khánh Hoàng tại tòa sáng 7-7.
Vì sao một văn bản bất lợi cho Nhà hát Kịch TP.HCM như thế lại xuất hiện tại tòa và xuất hiện trễ như vậy?
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Âu Ngọc Khánh – phó giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM, ông Khánh cho biết: “Văn bản viết tay trong quyển số nói trên được Nhà hát nộp cho tòa sau phiên tòa ngày 4-4. Lý do tòa yêu cầu nộp văn bản này để xác định văn bản chấm dứt hợp đồng với Ngọc Trinh của nhà hát, bản đánh chữ vi tính, in ra là có thật”.
Sau khi tòa đọc văn bản viết tay, nhiều nghệ sĩ và người tham dự phiên tòa sáng 7-7 đã ồ lên. Sau khi tòa đọc văn bản này, đại diện VKS tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ kiện: Hợp đồng hợp tác giữa bà Ngọc Trinh và Nhà hát kịch TP.HCM tuy chưa ký kết bằng văn bản nhưng đã được thực hiện với 6 vở kịch và 55 suất diễn, cùng với buổi họp báo công bố việc hợp tác vào năm 2014 nên được công nhận là có hiệu lực theo luật dân sự. Nhà hát Kịch TP.HCM đã vi phạm hợp đồng khi chấm dứt hợp tác với bà Ngọc Trinh nên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tòa tuyên bố nghị án kéo dài do cần có nhiều thời giam để xem xét trước khi đưa ra quyết định; tòa dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 11-7.