Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) báo cáo Triều Tiên đã tăng cường năng lực tên lửa của mình với một căn cứ quân sự bí mật mới, đài RT cho hay.
Sáng 6-5 (theo giờ Việt Nam), trang Twitter của chương trình "Korea Chair" (chuyên nghiên cứu bán đảo Triều Tiên) của CSIS thông báo đã phát hiện một tổ hợp các công trình nằm gần sân bay quốc tế Bình Nhưỡng đủ khả năng chứa tên lửa Hwasong-15.
Hwasong-15 là tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của Triều Tiên và được cho là có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Do đó, CSIS kết luận căn cứ bí mật này của Triều Tiên có thể được dùng làm nơi chứa bất kỳ biến thể tên lửa nào mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.
Các cấu trúc đã hoặc đang được xây dựng ở "cơ sở hỗ trợ tên lửa đạn đạo tên Sil-li" ở Triều Tiên. Ảnh: CSIS
Căn cứ bí mật này có diện tích ước tính là 442.300 m2, nằm gần một tổ hợp sản xuất các thành phần của tên lửa đạn đạo. CSIS tạm đặt tên cho khu vực này là "cơ sở hỗ trợ tên lửa đạn đạo Sil-li" vì nó nằm gần một địa danh là làng Sil-li.
Theo báo cáo của CSIS, "cơ sở này có khả năng được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động triển khai tên lửa đạn đạo" vì các tòa nhà "gần như chắc chắn" đều liên quan tới chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng.
"Nhà ga đường sắt có mái che lớn bất thường" ở Sil-li (công trình được khoanh màu đỏ). Ảnh: CSIS
Theo CSIS, quá trình xây dựng căn cứ này bắt đầu từ năm 2016. Khu vực này bao gồm một "nhà ga đường sắt có mái che lớn bất thường" ở cuối một đoạn đường ray đang được xây dựng, ba công trình bên cạnh đường ray và nhiều cấu trúc khác.
"Nhà ga đường sắt" ở Sil-li có chiều dài 180 m và rộng 30m, có cấu trúc tương tự cấu trúc ở căn cứ phóng tên lửa Sohae. Triều Tiên đã hoàn tất quá trình xây dựng bên ngoài của công trình này.
Ba công trình nằm cạnh đường ray đang được xây dựng (khu vực được khoanh màu đỏ). Ảnh: CSIS
Quá trình xây dựng bên ngoài của ba công trình nhà nằm cạnh đường ray cũng đã hoàn tất, song không rõ về tiến độ xây dựng bên trong các công trình này. Một cấu trúc cao tầng được xây dựng phía trên một trong ba công trình này.
CSIS đã so sánh và nhận thấy ba công trình này đều lớn hơn các công trình tương tự ở hai căn cứ phóng vệ tinh Sohae và Tonghae.
Chương trình tên lửa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên luôn là một vấn đề gây tranh cãi, biến bán đảo Triều Tiên trở thành một điểm nóng có nguy cơ xảy ra xung đột của thế giới.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên "đã không dừng chương trình hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo bất hợp pháp của mình mà tiếp tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an” trong năm 2019.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Triều Tiên đã nhiều lần thử tên lửa, trong đó có bốn lần hồi tháng 3 và một lần trong tháng 4. Tuy nhiên, các tên lửa này không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa.