Loay hoay điều tra bổ sung vụ án bị khởi tố vì 'làm phiền người khác 20 phút'

(PLO)- Nếu trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng không thể chứng minh hành vi phạm tội thì cần sớm đình chỉ vụ án, tránh ảnh hưởng trực tiếp người bị cáo buộc.

Ngày 3-10, VKSND TP Tân Uyên (Bình Dương) đã có thông báo trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Cơ quan CSĐT Công an TP Tân Uyên vụ xâm phạm chỗ ở của người khác đối với các bị can Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang (cùng ngụ TP.HCM).

Tính đến nay, cơ quan điều tra (CQĐT) đã bốn lần ra kết luận điều tra vụ án với ba lần điều tra bổ sung.

Thành bị can từ việc vào nhà khi cửa mở

Việc khiến ba người này vướng vòng lao lý bắt nguồn từ việc ngày 2-11-2018, họ cùng đến nhà bà Nguyễn Thị Tư để giải quyết việc chuyển nhượng đất từ cuối năm 2007 giữa ông Đức và bà Tư.

P6_tran-minh-duc.jpg
Bị can Trần Minh Đức kêu oan suốt nhiều năm qua. Ảnh: VH

Ông Đức và bà Tư có làm hợp đồng mua bán giấy tay hai mảnh đất ở thị xã Tân Uyên. Bà Tư nhận 250 triệu đồng, giao cho ông Đức hai sổ đỏ, cam kết làm hợp đồng công chứng sang tên trong vòng một tháng và nhận số tiền còn lại.

“Người có tội thì buộc phải xử lý nhưng người không có tội, hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không nên bằng mọi giá cáo buộc họ.”

Luật sư Lê Trung Phát

Tuy nhiên, bà Tư lại lấy cớ mất sổ đỏ để xin cấp lại. Rồi bà thế chấp sổ đỏ mới để vay tiền. Ngoài ra, với mảnh đất đã bán, bà Tư còn viết giấy tay bán cho nhiều người khác. Từ đó, ông Đức liên tục gặp bà Tư để đòi lại tiền nhưng không được.

Khi ba người đến nhà bà Tư thì cửa cổng và cửa nhà đều đang mở. Bà Tư đang ở trong nhà đi ra rồi gọi điện thoại báo chính quyền đến sau 20 phút.

Đánh giá việc vào nhà bà Tư của ba người này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, nghỉ ngơi giấc trưa của bà Tư, thời gian là 20 phút nên ngày 12-11-2018, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên khởi tố bị can đối với ông Đức, bà Hạnh và ông Sang, VKS truy tố họ về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác…

Loay hoay điều tra bổ sung

Năm 2019, TAND thị xã Tân Uyên hai lần hoãn phiên tòa vì vắng mặt nhân chứng.

Sau đó, ngày 4-7-2019, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì còn nhiều tình tiết trong hồ sơ cần được làm rõ và có những mâu thuẫn trong thời gian các bị cáo đã xâm hại chỗ ở của bị hại.

Tòa nhận định không đủ cơ sở buộc tội

Lần mở phiên tòa gần đây nhất vào ngày 28-7-2020, tòa tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung với nhận định: Nếu bà Tư còn nợ tiền mà các bị cáo đến nhà bị hại, cổng nhà không đóng, bị hại có mặt tại nhà nhưng do hoảng sợ nên ngay lập tức ra khỏi nhà và báo chính quyền sau 20 phút thì việc các bị cáo đến nhà bị hại là có lý do và vào nhà bằng lối cổng mở là không có hành vi xâm hại trái pháp luật chỗ ở của bà Tư.

Do đó, chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo xâm phạm chỗ ở của người khác. Hành vi trên chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác.

Từ tháng 8 đến tháng 10-2019, CQĐT hai lần kết luận điều tra bổ sung (lần một và lần hai) đều đề nghị truy tố ba bị can vì đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, nghỉ ngơi của bà Tư trong khoảng 20 phút.

Tháng 11-2019, VKS ra cáo trạng (lần hai) truy tố các bị can cùng về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.

Ngày 5-12-2019, tòa đưa vụ án ra xét xử lần thứ tư nhưng hoãn vì vắng người làm chứng; đại diện VKS và bị hại đề nghị phải có mặt người làm chứng để làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Ngày 2-1-2020, tòa mở phiên tòa lần thứ năm cũng lại phải hoãn, lý do “bị hại xin vắng mặt mà cần có mặt bị hại để làm sáng tỏ nội dung vụ án”.

Lần mở phiên tòa thứ sáu vào ngày 28-7-2020, tòa tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung…

Ngày 3-12-2020, CQĐT tạm đình chỉ điều tra, chờ kết quả giám định tâm thần của bị hại. Đến ngày 15-3-2023, CQĐT phục hồi điều tra vụ án. Đến ngày 16-6, Cơ quan CSĐT Công an TP Tân Uyên (lúc này thị xã lên TP) ra kết luận điều tra bổ sung (lần ba), tiếp tục đề nghị truy tố ba bị can tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, kết luận điều tra bổ sung lần này cũng không có tình tiết khác các kết luận điều tra lần trước.

Ngày 25-9, VKS tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.

Cần sớm đình chỉ vụ án nếu không cấu thành tội phạm

Luật đã quy định trường hợp kết luận điều tra còn nhiều vấn đề cần làm rõ thì VKS được quyền trả hồ sơ để tiếp tục điều tra (Điều 245 BLTTHS). Trong quyết định trả hồ sơ, VKS sẽ chỉ rõ các nội dung cần điều tra bổ sung (khoản 2 Điều 245 BLTTHS) để CQĐT tiếp tục làm rõ.

Chính vì điều này, luật đã cho phép VKS được quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung với số lần trả hồ sơ không bị giới hạn. Bởi việc buộc tội của VKS sẽ cần phải có cơ sở vững chắc trước khi truy tố một ai đó ra trước tòa, đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của VKS.

Thực tế, rất nhiều hồ sơ đã được VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần và CQĐT không điều tra được điều gì mới hoặc làm sáng tỏ hơn những nội dung VKS đã yêu cầu, trong đó có nội dung liên quan để xác định có hay không hành vi phạm tội. Tuy nhiên, VKS lại không ra quyết định “đình chỉ vụ án” theo Điều 248 BLTTHS.

Tố tụng hình sự là một hoạt động phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân của người bị cáo buộc nên việc thận trọng là vô cùng cần thiết. Thế nhưng những người có thẩm quyền trong trường hợp này cũng cần dựa trên quy định của luật, phải có tính quyết đoán khi đưa ra các quyết định tố tụng, để tránh làm oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm nhưng cũng tránh việc gây khổ sở cho người dân. Người có tội thì buộc phải xử lý nhưng người không có tội, hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không nên bằng mọi giá cáo buộc họ. Có như vậy mới đảm bảo được tính răn đe và giáo dục, đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm