Ngày 15-5, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến tám người tử vong vào năm ngoái.
Bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) bị truy tố về tội vô ý làm chết người.
Vô tư dùng hóa chất tẩy rửa
Tại ngày xét xử đầu, nhiều nhân chứng cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt, trong đó có ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Các luật sư đã đề nghị HĐXX triệu tập bắt buộc ông Dương để làm rõ trách nhiệm của ông này với tư cách là người trực tiếp ký hợp đồng sửa chữa đường ống lọc nước. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng đã triệu tập ông Dương hai lần đúng theo quy định, ông này cũng đã có lời khai tại hồ sơ vụ án nên yêu cầu hoãn phiên xử là không cần thiết.
Phần xét hỏi, lời khai của bị cáo Sơn đã khiến nhiều người sửng sốt về quy trình chạy thận của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo cáo buộc của VKS, nguyên nhân dẫn tới tám bệnh nhân chạy thận tử vong là do tồn dư hóa chất HCL và HF trong hệ thống nước ở mức quá cao, gấp hơn 200 lần cho phép.
Trả lời về vấn đề này, bị cáo Quốc cho biết sáng 28-5-2017 có đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 theo yêu cầu của Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn. Quốc dù không học trong ngành xử lý nước nhưng có kinh nghiệm 12 năm đã lắp đặt nhiều hệ thống trên toàn quốc.
Tại thời điểm sửa chữa, thấy màng RO bị đóng két canxi rất dày, Quốc đã dùng hỗn hợp hóa chất HCL và HF (tỉ lệ 5%) để vệ sinh bên ngoài màng, sau đó dùng nước sạch để rửa 1-3 giờ đồng hồ để không còn tồn dư hóa chất.
Bị cáo Lương, Sơn và Quốc (từ trái qua) tại tòa. Ảnh: TP
Bị HĐXX truy về việc căn cứ vào đâu sử dụng hóa chất để tẩy rửa, Quốc nói việc này không có văn bản nào quy định mà chỉ căn cứ vào kinh nghiệm của bản thân. Bị cáo không biết các hóa chất trên bị cấm trong y tế, trước nay vẫn sử dụng theo chỉ dẫn của người khác cũng như “tuổi nghề” của mình.
Theo bị cáo, đây không phải lần đầu tiên bị cáo sử dụng hóa chất để vệ sinh màng RO tại BV đa khoa tỉnh. Trong những lần bảo dưỡng trước, Quốc đều nhắc nhở cả phía BV và Công ty Thiên Sơn không được chạy hệ thống khi chưa xét nghiệm chất lượng mẫu nước. Tuy nhiên, khi được nhắc, phía Thiên Sơn có nói lại rằng việc xét nghiệm phải mất 10-15 ngày thì bệnh nhân chạy ở đâu? “Bị cáo không biết những lần đó BV có chạy hệ thống khi chưa có kết quả xét nghiệm mẫu nước hay chưa” - Quốc nói.
Sửa chữa xong sử dụng ngay
Đến lượt mình, bị cáo Sơn khẳng định lời khai của Quốc có nhiều điểm không đúng. Sơn khai khi đến BV thì thấy Quốc đang sửa chữa hệ thống lọc nước mà chưa có sự đồng ý và kiểm tra của mình. Bị cáo được giao quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị tại nhiều khoa, trong đó có khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, việc phía BV ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn sửa chữa đường ống thì Sơn không hề được ai thông báo. Đề xuất sửa chữa đường ống RO là do khoa Hồi sức tích cực đề xuất, trong đó có BS Hoàng Công Lương ký. Sáng 29-5-2017, khi bị cáo đến lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì hệ thống máy đã hoạt động.
Đặc biệt, Sơn khai từ khi công tác đến thời điểm xảy ra sự cố không được ai hướng dẫn hay có văn bản nào về việc bắt buộc phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Trong tất cả báo giá, thủ tục hợp đồng trước khi xảy ra sự cố cũng không ghi phải làm xét nghiệm mẫu nước. “Sau khi sửa chữa xong, hệ thống được đưa vào sử dụng ngay. Lần nào bị cáo cũng thực hiện như vậy” - bị cáo Sơn cho hay.
Bị cáo Lương phản đối cáo trạng Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định không đồng tình với cáo buộc của VKS. Khi được HĐXX hỏi có biết về nguyên tắc sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước xong thì phải lấy mẫu đi xét nghiệm để đảm bảo tiêu chuẩn hay không, BS Lương nói không. Đối với việc sửa chữa hệ thống lọc nước, bị cáo cho rằng đây là đề xuất của phòng vật tư thiết bị y tế. Bị cáo và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng chỉ ký vào với tư cách là người xác nhận các trang bị tại Đơn nguyên thận nhân tạo đã bị hỏng hóc, cần sửa chữa. Trả lời câu hỏi có kiểm tra lại khi được điều dưỡng báo rằng hệ thống đã có thể hoạt động hay không, bị cáo khẳng định việc bàn giao sau khi sửa chữa là giữa BV và công ty bảo dưỡng, Đơn nguyên thận nhân tạo chỉ nhận bàn giao từ phòng vật tư để tiếp tục điều trị. Khi phòng vật tư thiết bị y tế bàn giao cho đơn nguyên thì đương nhiên phía BV và Công ty Thiên Sơn đã bàn giao rồi. Còn đối với bàn giao thủ tục hành chính về hệ thống máy móc, đó là trách nhiệm của điều dưỡng hành chính hoặc điều dưỡng trực hôm đó. Trao đổi thêm với báo chí ngoài phòng xử, bị cáo Lương cho rằng bản thân chỉ chịu trách nhiệm về y lệnh của mình. Nếu bệnh nhân tử vong do làm sai y lệnh thì ông sẽ chịu trách nhiệm, còn do người ở vị trí khác thì người đó phải chịu. “Trách nhiệm của những bác sĩ như chúng tôi là khám và điều trị cho bệnh nhân, không liên quan đến việc sửa chữa thiết bị và chất lượng nguồn nước do đơn vị khác đảm nhận” - bị cáo Lương nói. |