Lớp học “đặc biệt” bên phá Tam Giang

Người dân vùng đầm phá quanh năm chỉ biết gắn với sông nước, bắt từng con cá, con ốc. Sống trên ghe thuyền nên cuộc sống vô vàn khó khăn, hầu hết người dân không biết chữ. Có người đến 40, 50 tuổi rồi nhưng họ vẫn không biết viết cho dù chỉ là tên của mình.

Ban ngày người dân vạn chài ra sông đánh bắt cá

Tuổi xế chiều mới học vỡ lòng

… 19 giờ tối, chúng tôi có mặt ở thôn Ngư Mỹ Thạch, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên- uế). Các chị, các mệ, các ông già, bà lão “í ới” gọi nhau đi học. Tiếng cười, tiếng nói đã xóa tan sự yên tĩnh của màn đêm nơi xóm chài nghèo này. Nhà văn hóa thôn được mượn tạm để mở lớp xóa mù chữ cho người dân vạn đò.

Thầy Hồ Quang Chính cho biết: “Lớp học thất thường lắm, lúc thì đi rất đông nhưng có lúc chỉ lèo tèo vài người. Ban đầu khi mới tổ chức lớp học, chúng tôi thường xuyên đi vận động mọi người nhưng không ai chịu đi vì họ ngại. Họ bảo lớn tuổi thế này rồi còn học với hành gì nữa. Nhưng sau đó, do nhu cầu cuộc sống cần biết chữ để trao đổi buôn bán nên mọi người mới tự nguyện tham gia”.

Gần 20 giờ tối, lớp học bắt đầu khi sĩ số có hơn 15 thành viên. Độ tuổi từ 60 xuống dần đến 25, ngoài ra còn có các em nhỏ theo bố mẹ đến học ké. Vừa nắn nót viết chữ thầy mới ghi trên bảng, chị Hồ Thị Thủy (40 tuổi) là mẹ của ba đứa con, tham gia lớp học nay đã hai tháng, vừa tập đọc theo. “Cũng không muốn đi học đâu chú ạ, ai đời từng này tuổi rồi mà còn đi tập đọc thì ngại chết. Nhưng trong một lần lên bệnh viện thăm em gái vừa sinh, dù đã đứng trước phòng sản nhưng vì không biết chữ nên hỏi người hộ lý, ai ngờ bị người ta chửi cho là đui vì đứng trước phòng mà còn hỏi” - chị Thủy nói - “Từ đó trở đi tui quyết tâm theo học lớp xóa mù chữ này để không còn phải gặp trường hợp tương tự”. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, chị Thủy đều đặn đến lớp học chữ. Chị học cần cù nhất lớp, ngoài ra chị còn tham gia hối thúc mọi người cùng đi học. Tối nào chị cũng cùng đứa con út tập đọc. Hai mẹ con tập đọc, người đi ngoài đường ai cũng cười nhưng “mặc kệ họ, vì mình học cho mình chứ học cho ai!” - chị Thủy chặt lưỡi nói.

Anh Phan Văn Kế, sinh năm 1968, học lớp xóa mù chữ là do… trong một lần đi làm giấy tờ trên UBND xã, khi họ bảo ký vào giấy xác nhận nhưng loay hoay mãi mà vẫn không ký được. Đến lúc đó, chị văn thư mới biết anh không biết chữ nên cho điểm chỉ tay. “Ngại thật chú ạ, ai giờ thời đại này mà ký phải điểm chỉ bằng tay? Tui học thì cũng chẳng ham hố gì, chỉ hy vọng làm sao viết được tên mình là được” - anh Kế cười, nói.

Khác với lớp học ở thôn Ngư Mỹ Thạch, lớp học tại thôn Vạn Hạ Lan (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) mở tại một ngôi trường tiểu học cũ rích không còn sử dụng. Hơn 18 giờ tối, các học sinh “đặc biệt” kéo đến lớp trong khi chờ thầy giáo khoảng hơn 1 tiếng nữa mới đến. Các mệ, các chị tranh thủ giở vở ra đọc lại bài cũ. Từng chữ được các chị, các bác đánh vần làm cho không khí trong xóm nghèo này trở nên nhộn nhịp.

Tối về lại rủ nhau đi học ở lớp xóa mù chữ. 

Chị Phạm Thị Hương (45 tuổi) ngượng ngùng cho biết: Trước đây chị sống lênh đênh trên các con ghe nhỏ trên phá Tam Giang, kiếm sống bằng nghề đánh cá, mò ốc. Trận lũ lịch sử năm 1999 làm cho nhiều người dân mất trắng khi ghe thuyền bị sóng đánh tan tành, người dân đói khổ trăm bề. Các hộ dân sau đó được bố trí về ở nhà tái định cư. “Từng này tuổi rồi nhưng chưa bao giờ biết đến một chữ là gì, lúc đầu cũng không muốn học đâu… Nhưng sau nhiều lần lên phố buôn bán, vì không biết chữ nên mình bị thiệt trăm đường nên quyết tâm học chữ. Mới học được hơn một tháng nhưng cũng viết sơ sơ rồi, chú ạ” - chị Hương tâm sự.

Người dân nghèo nơi đây dần dần hiểu được tác dụng của việc biết chữ, thế là từ một lớp đến hai lớp và bây giờ đã lên ba lớp học miễn phí trên dọc phá Tam Giang này.

Những người thầy gieo chữ

Thầy Hồ Quang Chính, có thâm niên 22 năm gieo chữ cho những học sinh đặc biệt trên phá Tam Giang, vốn là giáo viên dạy học ở trường cấp I Quảng Lợi. Trong quá trình dạy học, thầy Chính nhận ra có quá nhiều người dân quanh vùng bị mù chữ. Sau nhiều đêm trằn trọc, thầy đi đến quyết định xin nghỉ dạy tại trường cấp I để chuyển về công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện Quảng Điền, với mong muốn xóa mù chữ cho người dân làng chài.

“Người dân ở đây đa phần không biết chữ thì cứ nghèo hoài thôi. Phải xóa mù chữ trước, sau đó mới xóa nghèo được” - thầy Chính tâm sự. Hơn 20 năm trôi qua, thầy Chính không nhớ nổi đã dạy cho biết bao học trò đáng tuổi cha mẹ, đáng tuổi anh chị nữa.

Thầy Lê Công Thắng năm nay đã hơn 60 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu nhưng vì yêu nghề và muốn bà con mình có cái chữ để làm ăn buôn bán. Thầy không quản ngại khó khăn, hằng ngày vượt hơn 15 km từ nhà đến địa điểm dạy ở thôn Vạn Hà Lan. “Dạy xóa mù chữ cho bà con rất khó vì thời khóa biểu hầu như phải phụ thuộc vào người dân. Khi nào rảnh thì người dân mới đi học. Có hôm đến lớp, chờ cả buổi không có ai đến học, thế là đành quay về nhưng ngày mai cũng phải đến, vì lỡ hôm sau người dân đến mà mình không có mặt thì… không khéo họ giận, họ nghỉ luôn!” - thầy Thắng cười, cho biết.

Người dân dọc phá Tam Giang bận bịu sinh kế, khi nào rảnh thì… họ í ới gọi thầy đến dạy. Không thể sắp sẵn lịch học được. Đó là nét “đặc biệt” của lớp xóa mù chữ dành cho những học sinh “đặc biệt”.

NGUYỄN VĂN THÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm