LTS: Vừa qua, khi dự thảo Luật Dân số được đưa ra lấy ý kiến, các điều khoản về phá thai đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, nhất là vấn đề phá thai trên 12 tuần tuổi. Dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết tổng hợp các quy định về phá thai hợp pháp ở các nước trên thế giới.
Cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi là mốc thời điểm được nhiều quốc gia ở châu Âu như Pháp, Đức, Đan Mạch lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn những mốc thời gian khác nhau cho việc phá thai hợp pháp với những lý do khác nhau. Ví dụ như ở Phần Lan là dưới 20 tuần tuổi, ở Ý là dưới 90 ngày tuổi, Hà Lan là dưới 24 tuần tuổi, hay Nga là 22 tuần tuổi…
Nơi nghiêm cấm, chỗ thả lỏng
Trên thế giới, quy định về phá thai đã được ban hành và có hiệu lực trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu năm 2013 của Liên Hiệp Quốc, 97% các quốc gia trên thế giới đã cho phép phá thai để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của phụ nữ. Trong đó, khoảng 65% các quốc gia cho phép phá thai khi sức khỏe của thai phụ bị đe dọa, 49% các quốc gia cho phép phá thai khi thai nhi bị khiếm khuyết hoặc việc mang thai là kết quả của hành vi tội phạm tình dục. Chỉ 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế-xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu.
Các nước nghiêm cấm phá thai với bất kỳ lý do gì là Chile, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Vatican, Malta và Nicaragua. Tùy vào cách nhìn nhận, đánh giá và tình hình trong nước mà các quốc gia cho phép phá thai sẽ có quy định riêng. Trong khi một số nước khá thoáng về vấn đề nạo phá thai như Canada và Trung Quốc, nhiều nước khác lại kiểm soát chặt chẽ như Mỹ, Anh, Brazil…
Ở Trung Quốc, việc nạo phá thai gần như được thực hiện tự do và không có giới hạn về độ tuổi của thai nhi khi tiến hành phá thai. Trung Quốc chỉ ngăn cấm phá thai nhằm mục đích lựa chọn giới tính nhưng trên thực tế, chính sách một con của Trung Quốc càng làm phát sinh nhiều ca phá thai hơn với thai nhi bị phá bỏ hầu hết là nữ. Trong khi đó, Canada là một trong số rất ít các quốc gia không có quy định chế tài nhằm hạn chế phá thai. Ở quốc gia này, phá thai không bị cấm với bất kỳ lý do gì và ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Phụ nữ Tây Ban Nha biểu tình (vào tháng 9-2014) đòi bãi bỏ các điều luật phá thai đòi hỏi quá khắt khe, ngăn cản phụ nữ được phá thai hợp pháp. Ảnh: REUTERS
Muốn phá thai phải được chuyên gia tư vấn
Ở Mỹ, việc phá thai đã được các nhà làm luật quy định khá nghiêm ngặt, chặt chẽ. Các nhà làm luật đã đề ra nhiều biện pháp để giới hạn quyền được phá thai như việc phá thai phải được chuyên gia tư vấn, chỉ được thực hiện phá thai theo yêu cầu với thai ở một độ tuổi nhất định,… Tùy từng bang mà các biện pháp này được quy định khác nhau. Chẳng hạn có đến 43 trên tổng số 50 bang nghiêm cấm phá thai trừ khi điều đó là cần thiết để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của thai phụ.
Nạo phá thai chỉ được thực hiện trong mức tuổi thai cho phép của từng bang, dao động trong khoảng 20 tuần tuổi cho đến trước ba tháng cuối của thai kỳ hoặc khi thai nhi đã có khả năng tự sống sót (được định nghĩa là ngưỡng mà bào thai có 50% khả năng tồn tại bên ngoài tử cung của người mẹ - thường là vào khoảng 24 tuần tuổi).
Pháp luật của các nước châu Âu cũng quy định khá chặt chẽ vấn đề phá thai. Ở Anh, phá thai đã được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực. Đạo luật này cho phép phá thai với điều kiện phải được thực hiện trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai cũng không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý cho phá thai của hai bác sĩ.
Ở Bỉ, các quy định chính về nạo phá thai được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự, theo đó luật pháp Bỉ cho phép thai phụ phá thai khi họ cảm thấy “căng thẳng” với quá trình mang thai. Bộ luật không có định nghĩa cụ thể cho điều đó nhưng trên thực tế, “căng thẳng” có thể được xem như tình trạng mà thai phụ cảm thấy chưa sẵn sàng để có con. Việc phá thai là hợp pháp khi thai từ 12 tuần tuổi trở xuống và phải được bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
Mục đích của các quốc gia khi quy định thời điểm cho phép phá thai hợp pháp là để bảo vệ sức khỏe của thai phụ do phá thai được thực hiện càng sớm thì càng ít có biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở “chui”, hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ.
Trường hợp thai lớn hơn độ tuổi cho phép phá thai theo luật định, các nước châu Âu quy định phải chứng minh được việc phá thai đó là cần thiết để cứu sống hoặc ngăn ngừa chấn thương nghiêm trọng ở người mẹ (cả về thể chất lẫn tinh thần), hoặc thai nhi có nguy cơ bị tàn tật nghiêm trọng (theo Đạo luật về phá thai của Anh); hoặc thai nhi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe không thể chữa trị được ở thời điểm chẩn đoán (luật của Bỉ)…
Cá biệt, Đan Mạch có khá nhiều ngoại lệ cho việc phá thai khi thai lớn hơn số tuổi cho phép. Chẳng hạn, bên cạnh nguyên nhân sức khỏe, Đan Mạch còn cho phép phá thai lớn hơn 12 tuần tuổi khi việc mang thai là hệ quả của hành vi phạm tội tình dục như hiếp dâm, loạn luân; người mẹ không đủ khả năng về thể chất hay trí tuệ để chăm sóc cho con; người mẹ không đủ khả năng chăm sóc cho con vì còn quá nhỏ hay việc mang thai, sinh con và chăm sóc cho đứa trẻ sẽ tạo thành gánh nặng và trở ngại nghiêm trọng không thể tránh được cho người mẹ trong việc chăm lo cho gia đình.
Phá thai do hiếp dâm, loạn luân: Còn tranh cãi Cho phép phá thai khi thai nhi là hệ quả của việc thai phụ bị hiếp dâm hay loạn luân là một quy định khá phổ biến ở nhiều nước như Đức, Brazil, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech... Một số nước đề cập cụ thể đến hiếp dâm và loạn luân trong quy định về phá thai. Trong đó, việc phá thai hợp pháp ở bang Arizona và Utah (Mỹ) cũng được thực hiện cho các trường hợp bị hiếp dâm hay loạn luân; và ở một số bang khác có thể thực hiện phá thai hợp pháp nếu thai nhi phát triển bất thường. Trong khi đó, nhằm làm cho quy định trở nên bao quát hơn - bao trùm cả hiếp dâm theo luật định (quan hệ tình dục với người vị thành niên), cưỡng bức và cả loạn luân - nhiều nước khác chỉ nói rằng cho phép phá thai nếu việc mang thai là kết quả của hành vi phạm tội hình sự mà không xác định hành vi cụ thể. Yêu cầu thủ tục để chứng minh hiếp dâm hay loạn luân cũng rất đa dạng. Ở Brazil, các bệnh viện yêu cầu thai phụ hoặc thân nhân phải có xác nhận bằng văn bản rằng trường hợp phá thai là do bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Trong khi đó, pháp luật Đức yêu cầu phải dựa trên ý kiến của cơ quan y tế rằng “có cơ sở xác đáng cho giả định: Việc mang thai được gây ra bởi hành vi phạm pháp”. Các quốc gia khác khi áp dụng quy định này cũng yêu cầu thai phụ hoặc gia đình cung cấp các cơ sở chứng minh như bản án của tòa hay kết luận của cơ quan y tế. Tuy nhiên, điều này cũng gây nên không ít tranh luận, phản bác khi việc chứng minh bị hiếp dâm hay loạn luân không đơn giản vì khó xác định được tội danh. Với việc bị hiếp dâm, nạn nhân thường sợ hãi, không khai báo sớm. Với trường hợp loạn luân, thai phụ thường không công khai mà muốn che giấu vì lo ngại bị đàm tiếu… Tất cả đều dẫn đến trở ngại cho quá trình điều tra; thậm chí trong trường hợp bị hiếp dâm, quá trình điều tra còn gặp khó khăn hơn nữa nếu nạn nhân đã lập gia đình hay đã từng quan hệ tình dục. Có thể thấy các quy định của dự thảo về vấn đề nạo phá thai của nước ta đang đi theo xu thế chung của quốc tế. Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, nhất là nội dung về hiếp dâm, loạn luân để quy định thực sự chặt chẽ, hiệu quả và khả thi. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỉ lệ nạo phá thai không an toàn cao hơn gấp bốn lần, đồng thời có tỉ lệ tử vong của thai phụ cao hơn gấp ba lần so với các nước cho phép phá thai. |