Ngày 24-11, TAND TP.HCM tiến hành tranh luận vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (còn gọi là đại án DAB giai đoạn 2).
Đại diện VKS đề nghị xử phạt ông Bình tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C) bị đề nghị 18-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị cáo khác được xác định là đồng phạm giúp sức cho ông Bình, VKS đề nghị xử phạt mức án từ hai đến tám năm tù.
Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: H.Y
Sau phần luận tội, HĐXX yêu cầu VKS nêu rõ quan điểm về số tiền hơn 3.100 tỉ 6 khoản vay nhóm khách hàng Nguyễn Thiện Nhân (đã khởi tố bị can và đang truy nã).
VKS khẳng định trong vụ án này, ông Bình vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc cho vay sai 8.800 tỉ đồng trong đó có cả số tiền trên. Còn sau này, khi bắt được và xử lý bị cáo Nhân thì ông Bình trong vụ án đó sẽ là người liên quan về trách nhiệm dân sự đối với khoản tiền này.
Bào chữa cho ông Bình, luật sư nêu quan điểm băn khoăn về việc tách nhập vụ án. Theo đó, giai đoạn 2 vụ án liên quan đến các nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C và Tân Vạn Hưng không hề tách rời giai đoạn 1. Thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng đã chia tách vụ án thành hai giai đoạn liên quan đến các nhóm khách hàng do không thể hoàn thành sớm việc điều tra.
Tuy nhiên, rõ ràng việc tách vụ án này phần nào đã làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án và gây bất lợi cho ông Bình cùng một số bị cáo khác tại DAB. Vì việc cùng bị xử lý về các tội danh và tổng hợp mức án tù tăng cao trong hai vụ án khác nhau ảnh hưởng lớn đến số phận pháp lý của các bị cáo.
“Với trách nhiệm của người bào chữa, chúng tôi xin đặt vấn đề chính thức, đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và HĐXX có trách nhiệm làm rõ là việc tách các hành vi, vụ án theo các cách thức nêu trên có đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và các quy định của Bộ luật TTHS 2015 hay không ? Liệu việc tách các vụ án và hành vi nêu trên có tạo ra tình trạng “án chồng án” hay không?” - Luật sư nêu.
Ông Trần Phương Bình đang bị VKS đề nghị thêm một án chung thân. Ảnh: H.Y
Trong khi đó, tất cả diễn biến hành vi của ông Bình đều có chung một dấu hiệu sai phạm, trong cùng khoảng thời gian xem xét với trách nhiệm là Tổng Giám đốc DAB. Giải đáp thỏa đáng các câu hỏi trên còn giúp định hình đường lối xử lý cho một số cán bộ, nhân viên DAB, hiện đang phải đối diện với tình trạng vô cùng bất lợi do các mức án được cộng dồn qua hai giai đoạn, và sẽ còn các giai đoạn 3 hoặc 4 do các vụ án được tiếp tục tách ra.
Tháng 7, sau nhiều ngày xét xử, TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung liên quan đến hành vi sai phạm của ông Bình và đồng phạm gây thiệt hại cho DAB hơn 3.100 tỉ đồng trong việc cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia, TTC vay tiền. Do chưa lấy được lời khai, làm rõ vai trò của Nguyễn Thiện Nhân trong vụ án và các đối tượng khác nên sẽ xem xét xử lý sau.
Luật sư phân tích nếu theo quan điểm trả hồ sơ, khoản tiền ông Bình bị quy buộc gây thiệt hại cho DAB không thể xem xét cả về trách nhiệm hình sự và dân sự trong vụ án này do bị tách ra. Tuy nhiên, việc tách ra này một lần nữa đã làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Đó là chưa kể CQĐT còn tách hành vi của ông Trần Phương Bình và đồng phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến nhóm khách hàng Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ do đã trưng cầu Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự TP.HCM định giá đối với các tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại DAB, đến nay chưa có kết luận định giá tài sản. Vì vậy tháng 11-2019, CQĐT ra quyết định tách tách hành vi cho vay liên quan đến sai phạm của các bị can Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Ngọc Vân và Nguyễn Đức Tài, khi nào có kết quả định giá tài sản sẽ tiếp tục xem xét xử lý sau.
Phiên toà vẫn đang tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư.