Luật sư kiện thân chủ đòi 220 triệu đồng

Dự kiến ngày 30-3, TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa luật sư ĐKL (Đoàn Luật sư TP.HCM) với vợ chồng ông ĐNQ. Trước đó, tòa này đã mở phiên xử phúc thẩm từ ngày 18-3 nhưng sau đó nghị án kéo dài để có thời gian cho HĐXX xem xét, đánh giá chứng cứ…

Luật sư nói bị “xù”, thân chủ bảo không

Theo đơn khởi kiện, tháng 4-2013, khi còn đang làm việc tại Công ty Luật hợp danh KT, luật sư L. có ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với vợ chồng ông Q. Việc ký hợp đồng này là giữa cá nhân ông với vợ chồng ông Q. chứ Công ty Luật KT không liên quan (không có con dấu của công ty). Theo hợp đồng, luật sư L. sẽ là người đại diện cho vợ chồng ông Q. (bị đơn trong một vụ tranh chấp tài sản thừa kế và tài sản chung là một căn nhà) tham gia tố tụng tại tòa các cấp cùng các cơ quan tố tụng khác hoặc cơ quan chức năng liên quan. Mức thù lao của luật sư L. là 20% trong tổng giá trị mà vợ chồng ông Q. được chia trong vụ kiện. Sau đó luật sư L. có nhận của vợ chồng ông Q. 15 triệu đồng làm chi phí đi lại.

Luật sư L. cho rằng mình đã giải quyết vụ việc đạt được thỏa thuận thông qua biên bản hòa giải thành ngày 14-5-2014 khi các bên thống nhất chấm dứt tranh chấp và bên nguyên đơn đồng ý giảm số tiền phân chia từ 2,1 tỉ đồng xuống còn 1 tỉ đồng (lúc đầu nguyên đơn đòi 2,1 tỉ đồng). Như vậy theo hợp đồng, luật sư L. sẽ được hưởng thù lao 220 triệu đồng. Nhưng khi vụ án có kết quả rồi, luật sư L. nhiều lần liên hệ với vợ chồng ông Q. để làm thủ tục chấm dứt hợp đồng mà không nhận được hồi âm. Gửi thư thông báo, thư mời làm việc và gửi đơn lên UBND phường nhờ can thiệp đều không được nên luật sư L. phải khởi kiện ra TAND quận Bình Tân để đòi lại.

Trong khi đó, người đại diện của vợ chồng ông Q. khẳng định bản hợp đồng chỉ thể hiện luật sư L. là luật sư bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng ông Q. tham gia tố tụng chứ không phải đại diện theo ủy quyền. Mặt khác, mức thù lao cho luật sư L. chỉ là 20 triệu đồng. Do tin tưởng luật sư L. nên vợ chồng ông Q. đã đưa trước luôn thù lao (15 triệu đồng có biên lai, 5 triệu đồng không có biên lai). Trong suốt quá trình kiện tụng, luật sư L. đã không bảo vệ được gì cho thân chủ. Việc hòa giải thành là do các bên đương sự ngồi lại tự giải quyết theo tình cảm anh em với nhau...

Sơ thẩm: Hợp đồng vô hiệu

Điều đáng nói là hợp đồng giữa các bên đã không ghi rõ ràng thù lao của luật sư là 20% số tiền vợ chồng ông Q. được chia trong vụ kiện hay 20 triệu đồng mà chỉ ghi chung chung là luật sư L. đã nhận trước của vợ chồng ông Q. 20 triệu đồng và thỏa thuận sẽ trừ lại sau khi nhận 20% mà luật sư bảo vệ thắng.

Xử sơ thẩm hồi đầu năm nay, TAND quận Bình Tân nhận định theo Điều 49 Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012), việc luật sư cung cấp hợp đồng pháp lý cho khách hàng phải thông qua các tổ chức hành nghề luật sư. Trong khi đó hợp đồng mà vợ chồng ông Q. ký với luật sư L. là loại hợp đồng giao dịch giữa cá nhân với tổ chức hành nghề luật sư nhưng lại không có xác nhận của Công ty Luật KT thông qua hình thức con dấu.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng, luật sư L. là luật sư bảo vệ lợi ích hợp pháp cho vợ chồng ông Q. tại tòa các cấp nhưng trên thực tế, luật sư L. lại tham gia với tư cách người đại diện theo ủy quyền là chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Ngoài ra về nội dung thỏa thuận của hợp đồng như luật sư L. hứa sẽ bảo vệ thắng cho vợ chồng ông Q. cũng không phù hợp với công việc thực tế mà các bên giao kết, gây sự nhầm lẫn...

Cuối cùng, TAND quận Bình Tân đã tuyên hợp đồng giữa hai bên vô hiệu. Luật sư L. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 18-3 vừa qua của TAND TP.HCM, đại diện VKS đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm và đề nghị tòa bác kháng cáo của luật sư L.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi tòa phúc thẩm tuyên án.

Áp dụng sai luật?

Tại phiên xử phúc thẩm, luật sư L. cho rằng tòa sơ thẩm đã áp dụng sai luật khi giải quyết vụ án. Bởi Điều 49 Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đến tháng 7-2013 mới có hiệu lực, trong khi ông đã ký hợp đồng với vợ chồng ông Q. từ tháng 4-2013. Ngoài ra tòa sơ thẩm đã không xem xét hết nội dung, câu, chữ trong bản hợp đồng khi tuyên án vì luật sư là người đại diện hay là luật sư bảo vệ quyền lợi cũng như nhau, chỉ khác là mức thù lao nhận được cao hay thấp hơn.

“Tôi đã làm người đại diện hợp pháp, tham gia hết các công việc tại tòa cho họ. Khi tôi gửi đơn nhờ UBND phường can thiệp, họ còn xin giảm số tiền thù lao xuống nhưng đó là công sức của tôi đã làm hết sức mình nên không thể. Nếu khách hàng nào cũng như họ thì các luật sư thật phiền toái, lấy gì đảm bảo cuộc sống của mình” - luật sư L. nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm