Sáng 8-7, thí sinh trên cả nước vừa hoàn tất bài thi môn tổ hợp Khoa học xã hội gồm 3 môn thành phần: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (GCCD). Môn GDCD kéo dài 50 phút với 40 câu hỏi trắc nghiệm.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bình luận cho rằng, đề thi môn GDCD năm nay đưa nhiều tình huống pháp lý phức tạp, vượt quá các kiến thức mà học sinh được dạy ở trường. Nhiều phụ huynh còn nhận xét: “Đọc đề thi mà chóng cả mặt”.
Đề thi GDCD với câu hỏi tình huống pháp lý khá dài |
Chẳng hạn, tại câu 111 mã đề thi 306: Địa bàn X có ông V là trưởng công an xã; anh M là công an xã; anh D, vợ chồng anh B và chị H là người dân. Nhận được tin báo chị H tổ chức đánh bạc tại nhà, ông V cử anh M đến nhà chị H để kiểm tra. Vì chị H kiên quyết không thừa nhận nên anh M đã lớn tiếng xúc phạm chị đồng thời báo cáo tình hình với ông V. Ngay sau đó, ông V trực tiếp đến nhà chị H yêu cầu chị về trụ sở để lấy lời khai. Vào thời điểm đó, anh D đã chứng kiến và quay video toàn bộ sự việc. Vốn có mâu thuẫn với chị H, anh D đăng công khai đoạn video đó lên mạng xã hội. Vì có rất nhiều bình luận tiêu cực về mình dưới bài đăng của anh D, chị H đến gặp và yêu cầu anh D gỡ bài đăng trên. Do anh D không đồng ý nên hai bên xảy ra xô xát, anh D vô ý làm chị H bị ngã gãy tay. Biết anh M đã đến nhà và xúc phạm vợ mình, anh B đã tìm gặp anh M yêu cầu anh công khai xin lỗi nhưng bị anh M đẩy ngã gây chấn thương. Những ai sau đây vừa vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm vừa vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của công dân?
Hay câu 106 cũng có nội dung: “Theo quy định của pháp luật, công dân vi phạm quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe của người khác khi thực hiện hành vi nào?”
Các câu hỏi này được nhiều phụ huynh cho rằng đã vượt quá kiến thức trong chương trình GDCD.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG |
Nhận xét về đề thi trên, LS Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng những câu hỏi tình huống pháp lý khá dài và dễ gây hoang mang thí sinh.
“Các câu tình huống pháp lý đòi hỏi thí sinh phải đọc và tư duy rất kỹ để làm đúng nhưng với thời gian làm bài chỉ 50 phút và có đến 40 câu hỏi là làm khó cho các em. Chưa để đến, nhiều câu gần như đòi hỏi quá cao về hiểu biết pháp luật của thí sinh khi các em chỉ học THPT”, LS Hậu nêu quan điểm.
LS dẫn chứng các câu hỏi về tình huống cố ý gây thương tích đòi người làm bài phải có kiến thức pháp luật về hình sự như tội phạm, tội danh… để phân tích tình huống thì mới chọn đúng đáp án. Tương tự, các câu hỏi về biểu hiện của các quy tắc trong bầu cử cũng đòi hỏi thí sinh là có kiến thức về nhà nước và pháp luật. Đây là những nội dung khá chuyên biệt và được giảng dạy trong chương trình đạo tạo cử nhân luật. Trong khi đó, kiến thức pháp luật được dạy ở THPT chỉ là một phần pháp luật đại cương.
LS Hậu cho rằng việc lồng ghép pháp luật vào môn GDCD là điều đúng đắn, giúp các em học sinh có được nhận thức cơ bản về trách nhiệm của công dân, những hành vi vi phạm pháp luật để phòng, tránh.
Tuy nhiên, theo ông việc giảng dạy và đề thi GDCD nên sửa đổi theo hướng gần gũi hơn với đời sống, lồng ghép các vấn đề pháp luật có liên quan đến học sinh như bạo lực học đường, pháp luật về an toàn giao thông, sử dụng mạng xã hội an toàn… Để các em vừa thích thú hơn trong môn học vừa trang bị các kiến thức pháp luật trực tiếp tác động tới các em.