Lý do nhà đất rao bán giảm giá vẫn khó chốt kèo

(PLO)- Để thị trường bất động sản sớm phục hồi thì cần có giải pháp khôi phục lòng tin của nhà đầu tư từ cấp quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn buộc phải rao bán bất động sản (BĐS) với các chính sách chiết khấu, giảm giá, cắt lỗ… Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công trong nửa đầu năm nay vẫn sụt giảm mạnh so với năm ngoái.

Nhà đầu tư đi xa để săn đất nền vùng ven ở thời điểm thị trường còn sôi động. Ảnh minh họa: Q.HUY

Nhà đầu tư đi xa để săn đất nền vùng ven ở thời điểm thị trường còn sôi động.
Ảnh minh họa: Q.HUY

Người bán, kẻ mua đều kỳ vọng

Khảo sát tiến hành với gần 1.000 môi giới BĐS của một đơn vị nghiên cứu thị trường đã chỉ ra khó khăn lớn nhất khiến các giao dịch nhà đất không thể chốt kèo.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do người mua có tâm lý muốn giữ tiền chờ BĐS giảm thêm. Một số nhà đầu tư khác cảm thấy hoang mang, nghi ngại thị trường sẽ tiếp tục trạng thái trầm lắng nên chưa dám bỏ tiền vào.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thanh Phong (quận 7, TP.HCM) cho biết từ khi có những thông tin BĐS rao bán, giảm giá từ đầu năm là ông và những người bạn trong nhóm đầu tư đã đi săn. Thế nhưng không phải dễ kiếm được sản phẩm ưng ý. BĐS “ngộp” giảm 30%-40% giá mua là có và chủ yếu là đất nền vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh lẻ. Đây không phải là phân khúc nhà đầu tư lựa chọn vào thời điểm này.

“Còn những BĐS như đất nền, nhà phố, căn hộ ở TP.HCM hay vùng ven TP.HCM không giảm bao nhiêu, đa số giữ giá. Những BĐS có vị trí đẹp, dù chủ nhà đang bị áp lực tài chính nhưng họ vẫn gồng chứ không chịu giảm giá. Mức giá này vẫn khá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư” - ông Phong nói.

Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn có tâm lý lo ngại về những yếu tố pháp lý khi nhiều dự án đang gặp vướng mắc chưa được tháo gỡ. Tình hình kinh tế khó khăn, nhà đầu tư quyết định ôm tiền chờ để đề phòng rủi ro.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS Gia Gia Phú, cho biết nhu cầu của nhà đầu tư rất lớn, bất chấp thị trường đang khó khăn. Tuy nhiên, giá giảm mạnh chủ yếu là BĐS ở khu vực không phục vụ nhu cầu thực, bị thổi giá, thanh khoản kém. Còn những nhà đất ở khu đô thị đông dân cư thì giảm giá không nhiều, chủ nhà nợ ngân hàng, khó khăn lắm họ mới giảm giá.

Bên cạnh đó, lượng giao dịch thành công thấp lý do nằm ở việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, áp lực lãi suất lớn và giá nhà vẫn đang quá cao so với thu nhập của người mua.

“Bên cạnh đó, lệch pha cung cầu diễn ra trong những năm qua đã khiến nhiều người mua có nhu cầu ở thực không tìm được sản phẩm phù hợp. Trong khi những sản phẩm đầu tư như đất nền, BĐS nghỉ dưỡng cao cấp chiếm đa số nên giảm giá cũng không đáp ứng đa số nhu cầu” - ông Dương phân tích.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, thừa nhận thị trường nửa đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn. Giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm, tâm lý đầu tư yếu, thanh khoản chung chưa có dấu hiệu phục hồi.

Xét về nhu cầu giao dịch, dữ liệu lượng tìm mua BĐS toàn quốc trong nửa đầu năm giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Khi thị trường được khơi thông tín dụng thì mới ấm lên và tạo động lực cho phía cầu.

Khôi phục niềm tin, tiền mới chảy vào BĐS

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, chính quyền cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và nhanh chóng để xử lý các vấn đề về pháp lý có liên quan đến thị trường. Có những vấn đề cần phải nhờ đến các bộ luật nhưng cũng có vấn đề chỉ cần điều chỉnh bằng nghị định. Thủ tục pháp lý phải được Chính phủ và chính quyền địa phương quy định cụ thể, từ đó mới tạo được lòng tin cho người dân.

Theo TS Điền, lúc này cần đẩy mạnh những giải pháp tháo gỡ hai nút thắt lớn đó là dòng vốn và pháp lý. Khi thị trường được khơi thông tín dụng thì mới ấm lên và tạo động lực cho phía cầu, nhà đầu tư BĐS mới mạnh dạn đầu tư.

Cùng với dòng vốn, thị trường hiện nay cũng vướng mắc rất nhiều ở pháp lý. Các địa phương cần khẩn trương triển khai giải pháp để hoàn thành thủ tục pháp lý cho các dự án, tạo chuyển biến và tác động tích cực ngay, không thể để thị trường và doanh nghiệp tiếp tục chờ.

Chuyên gia BĐS Đỗ Hoàng Dương cũng cho rằng hiện nay lãi suất giảm theo lý thuyết sẽ giúp thị trường hưởng lợi, tăng thanh khoản. Tuy nhiên, thực tế dòng tiền chưa thể ngay lập tức đổ vào kênh đầu tư BĐS.

Để giao dịch thành công tăng, thanh khoản tăng, BĐS dễ chốt kèo hơn thì phải chờ đợi mặt bằng giá giảm về một mức hợp lý, khiến nhà đầu tư chấp nhận được và thời điểm niềm tin thị trường khôi phục.

“Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ khó có chuyển biến sôi động. Phải chờ qua năm 2024, xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự phục hồi, thị trường xuất khẩu và nội địa ổn định trở lại thì BĐS mới giao dịch tốt hơn. BĐS ở khu vực dân cư đô thị, phục vụ nhu cầu ở thực hoặc có thể khai thác được sẽ giao dịch tốt” - ông Dương dự đoán.•

Lượng giao dịch lẫn giá bất động sản đều giảm

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về tổng lượng giao dịch BĐS trong sáu tháng đầu năm 2023, cả nước có khoảng 187.000 giao dịch thành công, chỉ đạt 36% so với sáu tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu ở phân khúc đất nền. Lượng giao dịch căn hộ và nhà ở riêng lẻ cũng giảm mạnh, chỉ bằng 41% so với cùng kỳ.

BĐS tiếp tục có xu hướng giảm giá so với sáu tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I-2023. Giá căn hộ chung cư tại các địa phương giảm 2%-6% so với cùng kỳ năm trước, nhà ở riêng lẻ giảm 6%-10%, đất nền tại các dự án giảm khoảng 8%-11%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm