Sáng 15-9, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 9-2024, với chủ đề "Quản lý và phát triển công trình đường bộ".
Tại chương trình, cử tri TP.HCM rất quan tâm đến các công trình trọng điểm TP.HCM, công trình kết nối liên vùng.
Tỉ lệ đất giao thông của TP.HCM đang đạt bao nhiêu?
PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Trường Đại học GTVT TP.HCM đã hỏi: "Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu tỉ lệ đất giao thông trên tỉ lệ đất xây dựng đô thị đạt 15%, tỉ lệ đường giao thông đạt 2,5km/1km2.
Như vậy, từ năm 2020 đến nay, TP.HCM đã hoàn thành các công trình quan trọng nào, có đáp ứng chỉ tiêu đã đề ra hay không.
Tương tự, Quyết định 568 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ có một số quy hoạch chính như 3 tuyến đường vành đai, 5 tuyến đường trên cao, 5 tuyến đường trục chính đô thị, xây mới 34 cầu, 1 hầm vượt sông, cải tạo 102 nút giao thông khác mức. Vậy TP.HCM đã hoàn thành bao nhiêu công trình theo quy hoạch, kế hoạch trong thời gian tới TP.HCM sẽ triển khai ra sao?"
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết đầu nhiệm kỳ, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã xác định mục tiêu phát triển giao thông, trong đó mục tiêu đất giao thông trên tỉ lệ đất xây dựng đô thị đạt 15%, tỉ lệ đường giao thông đạt 2,5/km2. Các đơn vị đã xác định các công trình, nhiệm vụ cụ thể.
Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành một số công trình như cầu Ba Son, cầu Phước Lộc, cầu Long Đại, cầu Bưng, cầu Vàm Sát, cầu Long Kiểng, đường Long Phước... Với kết quả nội lực như hiện nay, tỉ lệ đất giao thông trên đất đô thị đang đạt 14,16%, tỉ lệ đường giao thông đạt 2,41%/1km2.
Với những công trình đang tiếp tục triển khai như Vành đai 3 và một số dự án khác, TP.HCM sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra vào năm 2025.
Đối với quy hoạch 568 của Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Công Bằng cho biết hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực triển khai hoàn thành khép kín Vành đai 2 gồm: đoạn 1 và đoạn 2 để cố gắng khởi công trước ngày 30-4-2025. Tương tự, đoạn 3 Vành đai 2 cũng đang tháo gỡ những khó khăn để sớm khép kín Vành đai 2 phía Đông.
Đối với Vành đai 3, Ban Giao thông đang làm chủ đầu tư. TP.HCM và các đơn vị đang tích cực phối hợp để có thể đưa dự án Vành đai 3 về đích vào năm 2026.
Đối với dự án Vành đai 4 - đây là tuyến đường liên vùng, TP.HCM đang chủ trì phối hợp trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để sớm trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình trong tháng 10-2024.
"Giai đoạn vừa qua, chúng ta cũng đã tích cực đầu tư vào các tuyến vành đai để sớm khép kín, đặc biệt là các tuyến kết nối vùng. Đối với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng đã được Thủ tướng chính phủ thông qua, đang chuẩn bị các bước để khởi công dự án trong thời gian tới. Tương tự, cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng được TP.HCM tích cực phối hợp và làm các đường kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành để đi lại thuận tiện hơn.
Tương tự, các nút giao cũng được triển khai như nút giao Mỹ Thuỷ, nút giao An Phú và cũng sẽ hoàn thành một số hạng mục vào cuối năm nay. Tương tự, đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng sẽ trình HĐND TP trong thời gian tới và cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng đang phối hợp để tiếp tục mở rộng lên 8-10 làn xe theo quy hoạch.
Định hướng sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để khơi thông thêm nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết 98 như BOT, BT. Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai 5 dự án, dự kiến cuối năm 2024 sẽ thông qua chủ trương đầu tư và khởi công vào năm 2025" - ông Bằng nhấn mạnh.
Công trình trọng điểm chậm triển khai do giải phóng mặt bằng
Cử tri Lý Mai Anh hỏi: "TP đang triển khai những công trình trọng điểm nào, hiện còn một số dự án thi công chậm, gây ùn ứ như Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nút giao An Phú?"
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết: Hiện nay, ngoài 62 dự án đã hoàn thành theo quyết toán, Ban Giao thông TP.HCM đang triển khai 100 dự án công trình trọng điểm. Trong đó có 30 dự án đang thi công, 30 dự án đang bồi thường GPMB, số còn lại đang chuẩn bị đầu tư công trình trọng điểm.
Các công trình trọng điểm của TP.HCM gồm: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Trục Bắc - Nam, các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1.
Bên cạnh đó là nhóm công trình trọng điểm giải quyết điểm nóng giao thông của TP.HCM như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài ra, là nhóm công trình giao thông tăng cường các dự án đường thuỷ để phát huy thế mạnh của TP.HCM.
Thời gian qua, hàng loạt dự án được triển khai đồng bộ. Ban Giao thông đang nỗ lực để từ nay tới cuối năm thông xe được 15 dự án khác như: cầu Rạch Đỉa, Phước Long, đường Dương Quảng Hàm, đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Nam Lý, cầu Bà Hom, đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà... Năm 2025, sẽ phối hợp khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Nói về công trình trọng điểm chậm trễ tiến độ, ông Phúc lý giải: Trong quá trình triển khai dự án có 3 khâu quan trọng tác động đến tiến độ dự án.
Bao gồm bồi thường GPMB, phối hợp trong di dời tiện ích và công tác triển khai điều hành trong quá trình thi công. Nhìn lại, các công trình trọng điểm bị chậm đa phần do chậm trễ trong công tác bồi thường GPMB như cầu Nam Lý, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Đỉa... kéo dài tới 10 năm.
Bên cạnh đó, khâu phối hợp trong di dời công trình ngầm cũng cần chú ý, nếu không sẽ phát sinh thời gian thi công. Đối với công tác thi công nếu có 100% mặt bằng, chủ đầu tư có thể kiểm soát được thời gian dự án, tiến độ hoàn thành.
Các giải pháp hiện nay, ông Phúc đề xuất 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất, là huy động cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB. Thứ hai, là đặt người dân vào trung tâm, giá bồi thường tiệm cận giá thị trường, lắng nghe người dân nhiều hơn. Thứ ba, là phối hợp với các đơn vị di dời hạ tầng kỹ thuật để để rút ngắn thời gian.
Thứ tư, là nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành của chủ đầu tư, lựa chọn nhà thầu uy tín và loại nhà thầu yếu kém. Thứ năm, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, 3 tổ công tác liên quan các công trình trọng điểm.
Như vậy, hàng loạt công trình trọng điểm đã được bàn giao mặt bằng và thi công nhanh chóng, với giải pháp này sẽ nhanh chóng được khắc phục.
Đối với vấn đề tổ chức giao thông ở các công trình trọng điểm, ông Phúc cho biết chủ đầu tư rất quan tâm. Chủ đầu tư vừa thi công trong điều kiện vừa thi công vừa phải duy trì đảm bảo an toàn giao thông như nút giao An Phú, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Trong đó, riêng dự án An Phú một ngày có hơn 22.000 container đi qua. Ban Giao thông vừa thi công, vừa đảm bảo mặt cắt ngang không thay đổi.
Với sự hỗ trợ, chia sẻ của người dân và đơn vị điều tiết giao thông, Ban Giao thông đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đưa ra phương án phân luồng để rút ngắn tốt nhất tiến độ thi công công trình trọng điểm.
Cuối tháng 9 sẽ thông xe một nhánh hầm Nguyễn Văn Linh và hoàn thành đồng bộ vào cuối năm nay; một nhánh hầm chui nút giao An Phú cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
"Chúng tôi cố gắng và mong bà con chia sẻ cùng với chủ đầu tư để các công trình của TP sớm hoàn thành và phục vụ bà con TP trong thời gian tới" - ông Phúc nhấn mạnh.
Cầu đường Bình Tiên dự kiến khởi công vào năm 2025
Cử tri hỏi khi nào triển khai dự án cầu đường Bình Tiên nối quận 8, quận 6 và Bình Chánh.
Ông Phan Công Bằng cho biết cầu đường Bình Tiên là công trình trọng điểm đang được TP.HCM quan tâm, hiện đang điều chỉnh tổng mức đầu tư và đang triển khai các bước theo thủ tục.
Cầu đường Bình Tiên sẽ được triển khai theo Nghị quyết 98, đề xuất chủ trương đầu tư phù hợp. Hy vọng dự án này có thể khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.