Lý do nhiều lãnh đạo dự án xơ sợi Đình Vũ bị bắt

Ngày 20-6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) cùng các đơn vị liên quan.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố năm bị can, ra lệnh bắt tạm giam bốn bị can Trần Trung Chí Hiếu, nguyên chủ tịch HĐQT PVTEX; Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc PVTEX; Vũ Phương Nam, kế toán trưởng PVTEX; Đào Ngọ Hoàng, nguyên trưởng phòng Thương mại hợp đồng PVTEX; Đỗ Văn Hồng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty PVC.KBC, để điều tra về tội cố ý làm trái…

Trong số trên, bị can Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty PVC và PVC.KBC. Riêng bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, chưa có thông tin ông đang ở đâu.

Một góc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí và nguyên tổng giám đốc PVTEX (ảnh nhỏ).  Ảnh: Hải Đường

Như chúng tôi đã thông tin, trước đó Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm về dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thua lỗ hơn 1.400 tỉ đồng.

Cụ thể, theo dự án khả thi, thời gian thu hồi vốn cho toàn bộ dự án là tám năm tám tháng, dự án đi vào sản xuất kinh doanh là có lãi. Nhưng thực tế từ năm 2012 đến cuối 2014, PVTEX liên tục lỗ đến hơn 1.400 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ khẳng định HĐQT và tổng giám đốc PVTEX đã phê duyệt dự án, thiết kế… nhưng không tổ chức thẩm định; nội dung dự án không đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; tăng sai một số khoản chi phí...

Ngoài ra PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTEX có nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; việc quản lý dự án của chủ đầu tư có nhiều vi phạm. Trách nhiệm thuộc hội đồng quản trị, tổng giám đốc các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex, PVTex.

Thanh tra Chính phủ cho rằng quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm… gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư nên kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý.

Liên quan đến bị can Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc PVTEX, sau khi bị giáng chức, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở Công Thương TP Hải Phòng. Đến tháng 4-2016, ông được điều động về Vinachem và đến tháng 12-2016, ông bị kỷ luật buộc thôi việc.

Đến nay vẫn chưa có thông tin ông Duy đang ở đâu nhưng có thông tin là ông đã xuất cảnh qua cửa khẩu Nội Bài.

Chiều 20-6, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước. “Vụ án đang trong quá trình điều tra nên chúng tôi chưa thể cung cấp cụ thể” - vị này nói.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã nắm thông tin việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại PVTEX, PVC.KBC và các đơn vị liên quan, khởi tố ông Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc PVTEX.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan hữu quan về các vấn đề liên quan đến ông Vũ Đình Duy theo thẩm quyền quản lý khi được yêu cầu.

PVTEX như cái xác không có chỗ chôn!

Thời điểm tháng 7-2016, PVTEX có hơn 700 cán bộ, công nhân viên nhưng đến tháng 6-2016, ông Phạm Văn Chất, Tổng Giám đốc PVTEX, thông báo đơn vị chỉ còn... 140 nhân sự, chủ yếu làm hành chính. Hiện PVTEX không còn tiền để trả cho công nhân. “Nhà máy đang sống nhờ nguồn quỹ phúc lợi của tập đoàn (PVN). Chúng tôi đã đề xuất rất nhiều giải pháp nhưng đến giờ vẫn chưa thấy nơi nào cứu PVTEX”, ông Chất cho hay.

“Nếu nó chết, hãy cho nó được toại nguyện để chúng tôi đi nơi khác làm việc” - một cán bộ của PVTEX nói.

Trước đó, PVTEX đề xuất PVN các phương án: Mời hợp tác đầu tư; và rót vốn thêm hoặc thanh lý nhà máy.

Bản thân PVTEX cũng tích cực tìm các đối tác nước ngoài để hợp tác với PVTEX và có hai đối tác là Tập đoàn Indorama của Ấn Độ và Tập đoàn Fortrec Chemicals của Singapore nhưng bất thành vì PVTEX chỉ sản xuất ra sợi để làm... bao tải.

Với phương án vận hành, rót vốn thêm thì bất khả thi. Vì mỗi lần chạy sản phẩm lên tới 30 triệu USD nhưng nguồn tiền ngân sách đầu tư vào đã bị cắt, không đơn vị nào trong nước mạo hiểm đầu tư.

Thanh lý tài sản cũng bất khả thi vì nhiều hạng mục của các công trình vẫn chưa xong, nhà đầu tư (PVN) và tổng thầu thi công (EPC) đang tranh chấp nên PVTEX đang như cái xác chết mà không có chỗ chôn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm