Ngày 27-9, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong cụ thể hóa các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng về văn hóa; góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện chiến lược đạt yêu cầu đề ra. Qua đó, đúc rút và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực, hoàn thiện chính sách văn hóa.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp văn hoá (CNVH) chưa được khai thác.
Đơn cử ở lĩnh vực điện ảnh, dù đã có những bộ phim bom tấn, doanh thu trăm tỷ như Bố già, Hai Phượng, Lật mặt… nhưng các phim này chủ yếu của các đơn vị tư nhân. Thị trường điện ảnh Việt Nam, tuy được coi là một thị trường phát triển “nóng” nhưng thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Ngô Phương Lan nêu thực tế, trong nhiều năm qua, các cơ quan Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đưa phim Việt ra thị trường quốc tế. Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân tự xoay xở một cách nhỏ lẻ và đơn độc.
Còn Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết thực tế hiện nay, lĩnh vực nhiếp ảnh không có nhà đầu tư, thị trường chưa hình thành.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lý giải, điều này không chỉ vì hoàn cảnh đất nước mà còn vì chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng, trong đó có nhận thức về cách huy động nguồn lực xã hội chưa thật phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, lợi ích là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để huy động sự quan tâm của mọi người, trong khi văn hóa là một lĩnh vực ít thấy lợi ích kinh tế trước mắt, đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, nhiều khi bị xem là một hình thức đầu tư mạo hiểm.
Hội thảo đã nhận được 35 tham luận với nội dung phong phú, đa dạng và có giá trị sâu sắc. Các ý kiến, tham luận tại hội thảo sẽ là cơ sở để Ban Tổ chức Hội thảo báo cáo, đề xuất về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong thực hiện Chiến lược những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.