Mắc nạn vì giấy tờ giả, đừng để dân bơ vơ

Không còn cách gì để chúng tôi được yên tâm hay sao?”. Ông Phạm Văn Hòa, người mắc nạn vì mua căn nhà F29 cư xá Phú Lâm, phường 13, quận 6 (TP.HCM), than thở.

Ông Hòa cũng như nhiều người dân khác đều có chung tâm lý xem công chứng viên (CCV) là chỗ dựa cho mình yên tâm giao dịch. “Mua bán nhà giấy tay thì mới sợ, mua qua công chứng là yên tâm”. Thế nên khi xảy ra chuyện giấy tờ giả mạo, người mua không được nhận nhà, không được sang tên, tiền đã trả không đòi lại được thì không ít người đã cảm thấy thất vọng, thậm chí nghi ngờ CCV hoặc không làm hết trách nhiệm, hoặc có liên quan. Thế nhưng chính các CCV kỳ cựu nhất cũng tâm sự họ vô cùng đau đầu, lo lắng trước vấn nạn giấy tờ giả mạo. Đến tận hôm nay, “bảo bối” chủ yếu của các CCV cũng chỉ có thể là kinh nghiệm hiểu biết, phán đoán của cá nhân.

Trong khi phương tiện thiết bị kỹ thuật làm giả giấy tờ ngày càng hiện đại tinh vi, thủ đoạn lừa đảo thì muôn hình vạn trạng thì làm sao giấy tờ giả mạo không bị lọt cửa CCV, gây thiệt hại cho những người mua ngay tình hợp pháp? Một mạng lưới dữ liệu về lý lịch bất động sản như trước của ai, bán qua ai, ai đang là chủ sở hữu, tình trạng tranh chấp, quy hoạch - công cụ hữu hiệu nhất để bảo đảm cho CCV bảo vệ sự an toàn pháp lý cho giao dịch, giảm thiểu khả năng sử dụng giấy tờ giả mạo - đến nay vẫn là câu chuyện ở phía trước.

Một điều đáng nói nữa là pháp luật để bảo vệ những nạn nhân khi quyền lợi hợp pháp chính đáng của họ, khi trật tự xã hội bị xâm hại trong thời gian qua chưa được thực thi đúng mực. Khi mua nhà, người dân dựa vào CCV. Khi xảy ra chuyện, họ dựa vào công an. Và người dân rất mong những phản ứng mạnh tay từ các cơ quan bảo vệ pháp luật. Cứ cho rằng lúc này chưa có cơ sở để khởi tố, chưa có cơ sở để tạm giam đối tượng bị nghi ngờ. Thế nhưng đến khi đã đủ cơ sở như kết luận giám định giấy tờ giả mạo, có thiệt hại xảy ra với giá trị vô cùng lớn thì cũng hiếm khi thấy các đối tượng lừa đảo người mua bằng thủ đoạn giấy tờ giả bị khởi tố hình sự. Người mua ngay tình hợp pháp chẳng có nơi nào bám víu, đành phải khởi kiện ra tòa  như một vụ kiện dân sự mà khả năng đòi lại được tiền gần như là vô vọng.

Lẽ nào lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác, làm giả, sử dụng giấy tờ của cơ quan nhà nước trong những trường hợp trên không đủ để xem là các hành vi đe dọa trật tự xã hội, là cần phải xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa? Trong khi nó có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 139 và 267 Bộ luật Hình sự). Nếu đã đủ cơ sở như luật định thì phải chăng đang có sự lơ là, thiếu nhiệt tình của cơ quan  chức năng? Và liệu đó có phải là nguyên nhân dẫn đến những kẻ lừa đảo vẫn cứ nhởn nhơ, còn người mua và các  CCV thì đêm ngày nơm nớp lo âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm