Có nhiều trường hợp người dân đến liên hệ công tác không những không được cán bộ hướng dẫn mà còn bị nại ra đủ lý do để phải chạy tới chạy lui. Đơn cử như gia đình tôi có mấy phòng trọ cho thuê, khi lập danh sách người ở trọ để cho công an phường quản lý thì ôi thôi, phải năm lần bảy lượt mới được anh công an xác nhận. Bởi lúc thì anh nói người này thiếu chứng minh nhân dân, lúc thì anh nói khai tạm vắng chưa đúng… Chưa kể anh còn hẹn chúng tôi đến làm việc vào buổi tối vì ban ngày anh bận đi học, đi công tác. Chúng tôi rất bực nhưng nghĩ cuộc mưu sinh còn lâu dài nên nín nhịn cho qua.
Tôi thấy bà giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nói rất phù hợp và có quyết sách khá rõ. Theo đó, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình UBND TP ban hành quyết định về quy chế liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký quản lý cư trú trên địa bàn TP. Theo đó, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP triển khai thực hiện liên thông. Cách này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, sự hài lòng và được người dân ủng hộ.
Có thể quyết sách này khi triển khai vào thực tế sẽ gặp một số khó khăn từ phía cán bộ vì tâm lý cửa quyền, hoạnh họe, cố làm khó dân để thấy mình oai. Tuy nhiên, tôi mong rằng cơ quan chức năng quyết liệt làm, kiểm tra kỹ để xử lý kịp thời các sai phạm. Phải xử lý nghiêm những cán bộ làm khó, đẩy khó cho dân để làm gương nhằm triệt tiêu các thói hư tật xấu này. Cạnh đó, việc cải cách hành chính phải đồng bộ với việc ban hành, hoàn thiện các quy định pháp luật. Khi luật đã rõ, cụ thể và phù hợp với thực tế thì cán bộ nào làm khó dân, đẩy khó cho dân sẽ lòi ra ngay. Tôi cũng đồng tình với ý kiến của ông Phan Bá (Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM) là song song đó phải công khai thủ tục hành chính ở xã, phường để người dân biết. Khi làm việc, dân đối chiếu với các quy định, thấy cán bộ có biểu hiện chưa chuẩn mực thì lấy ngay những quy định được công khai trên để chấn chỉnh.
Về phía người dân, lấy kinh nghiệm bản thân tôi cũng có lúc chưa quyết liệt đấu tranh lại với những sai sót của cán bộ công quyền. Có lẽ đây cũng là tâm lý chung của nhiều người. Theo tôi, tự bản thân mỗi người phải mạnh dạn đấu tranh với cái chưa hay, chưa đúng. Mặt khác, phía cán bộ cũng phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân một cách chân thành chứ đừng vì thế mà trù dập, làm khó người dân thêm. Có cơ chế cởi mở như thế, tôi tin cả người dân lẫn cán bộ sẽ hỗ trợ tốt cho nhau khi xử lý công việc.
NGUYỄN THIỆN, ĐH Kinh tế - Luật