Mạnh tay cấm cửa kinh doanh tại chung cư

UBND TP.HCM vừa có văn bản giao chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với đơn vị liên quan rà soát hoạt động kinh doanh, tổng kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) của các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh và hộ kinh doanh tại căn hộ chung cư trên địa bàn.

“Các quận, huyện gửi văn bản yêu cầu các đối tượng kinh doanh trên phải thực hiện nghiêm quy định về chuyển hoạt động sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư” - công văn trên nêu rõ.

Đã giảm nhưng chưa đáng kể

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay có nhiều công ty, văn phòng đại diện… đã dời ra khỏi chung cư. Bà Nguyễn Thị Bích Thư, trưởng ban quản lý chung cư Khang Phú (quận Tân Phú), cho hay tại chung cư này tầng trệt là tầng kinh doanh, thương mại theo đúng công năng. Ở các tầng căn hộ từng có một số công ty đặt trụ sở nhưng đã chuyển đi gần hết.

“Năm ngoái có một căn hộ tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, người ra vào thường xuyên, gây ồn ào mất trật tự nên cư dân phản ứng. Ban quản lý đã nhắc nhở và mời công an địa phương vào can thiệp. Sau đó tại căn hộ này không còn hoạt động kinh doanh đa cấp nữa” - bà Thư cho biết.

Tuy nhiên, tại một số chung cư khác tình hình kinh doanh vẫn diễn ra khá nhộn nhịp dù hồi tháng 11-2016, Sở KH&ĐT TP.HCM đã phát đi thông báo yêu cầu di chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi chung cư. Đơn cử tại chung cư 62 Nguyễn Huệ, các quán cà phê, nhà hàng, thời trang... vẫn mở cửa đón khách. Tại nhiều chung cư khác, các công ty, hộ kinh doanh vẫn tổ chức bán hàng đa cấp hoặc đặt biển hiệu trụ sở chứ chưa chuyển trụ sở đi.

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết đang phối hợp cùng Sở Xây dựng rà soát, xử lý theo quy định đối với các công ty đặt trụ sở trong chung cư. Sở này cũng vừa có báo cáo gửi UBND TP nêu rõ vào tháng 11-2016 đã phát thông báo đến 2.114 công ty có trụ sở đặt tại nhà chung cư. Theo thông báo, doanh nghiệp không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa mà phải di dời đi nơi khác, theo đúng Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở.

Tại một số chung cư, quán cà phê, nhà hàng, thời trang... vẫn mở cửa đón khách. Trong ảnh: Biển hiệu của một đơn vị kinh doanh tại chung cư 62 Nguyễn Huệ. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Trong số các công ty nhận được thông báo, có khá nhiều công ty gửi giải trình cho Sở KH&ĐT. Các công ty này nộp kèm giấy tờ chứng minh trụ sở đặt tại “phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư” mà không phải là “căn hộ chung cư”, chủ yếu là các tầng trệt, tầng một, tầng hai và tầng thượng.

“Các trường hợp này không thuộc diện phải di dời ra khỏi nhà chung cư nhưng phải chấp hành quy định tại Điều 35 Nghị định 99/2015 của Chính phủ về một số ngành nghề cấm kinh doanh tại nhà chung cư” - đại diện Sở KH&ĐT khẳng định.

Một số công ty khác giải trình rằng họ chỉ đặt trụ sở để liên lạc, lưu trữ giấy tờ, hoàn toàn không hoạt động kinh doanh, cũng không có khách ra vào. “Sở sẽ tổng hợp các giải trình, kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo và đề xuất hướng xử lý với UBND TP.HCM” - đại diện Sở KH&ĐT cho hay.

Phải di dời đi nơi khác

Nói về việc “trục xuất” doanh nghiệp khỏi chung cư, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm căn hộ chung cư chỉ dùng để ở, không được hoạt động kinh doanh. Công ty nào còn đóng ở căn hộ chung cư thì phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi chung cư, theo đúng Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015.

Theo sở này, việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng làm việc là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến toàn bộ công trình. Cụ thể, phá vỡ chức năng quy hoạch khi cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế; tăng quy mô dân số, lưu lượng người ra vào chung cư, ảnh hưởng an ninh trật tự, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khi thiết kế, tải trọng của căn hộ chung cư chỉ có 200 kg/m2 trong khi nhà văn phòng đến 300-400 kg/m2. Do đó, sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng sẽ làm tăng tải trọng, ảnh hưởng khả năng chịu lực, an toàn của công trình; ảnh hưởng đến diện tích để xe của công trình do nhu cầu diện tích để xe của văn phòng lớn hơn so với căn hộ chung cư. Điều này khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát việc sử dụng chung cư” - đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Sở Xây dựng cũng cho rằng việc cấm hoạt động kinh doanh trong căn hộ chung cư không phải là chuyện “đùng một cái”. Từ năm 2009 đã có công văn của Bộ Xây dựng quy định không cấp mới đăng ký doanh nghiệp có trụ sở trong chung cư, trừ khi xuất trình giấy tờ chứng minh đặt trụ sở trong phần diện tích kinh doanh.

“Đến Luật Nhà ở năm 2014 thì có quy định nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, nghĩa là cấm hoàn toàn việc kinh doanh dù ngành nghề gì” - Sở Xây dựng lý giải.

Cần có chế tài

Luật sư Hoàng Cao Sang, Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Thái Bình Dương, cho biết: Điều 80 của Nghị định 99/2015 yêu cầu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư. Sau ngày 10-6-2016 thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư nữa.

Hiện nay xử phạt về xây dựng, nhà ở thì có Nghị định 121/2013. Tuy nhiên, nghị định này có trước Luật Nhà ở 2014 và chỉ đến Luật Nhà ở 2014 mới cấm dùng nhà chung cư vào mục đích kinh doanh. Do đó, Nghị định 121/2013 không có quy định xử phạt hành vi dùng nhà chung cư vào mục đích kinh doanh.

Hiện có một dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 121/2013 có quy định xử phạt. Theo dự thảo này, sẽ phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Tuy nhiên, vẫn là dự thảo nên không áp dụng để xử phạt được. Do đó muốn xử lý thì phải sớm có nghị định xử phạt thay thế cho Nghị định 121/2013.

Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết trong số 2.114 thông báo gửi đến các công ty có trụ sở đặt tại nhà chung cư thì có gần 1.000 thông báo được bưu điện trả về vì không có người nhận. Điều này cho thấy nhiều công ty đã di chuyển đi nơi khác hoặc không còn hoạt động nhưng chưa làm thủ tục đổi địa chỉ trụ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới