Trong điều 6 Luật Nhà ở ban hành năm 2014 và có hiệu lực ngày 1 – 1 – 2015 đã đề cập đến việc cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở. Nghị định 99 ban hành năm 2015 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở cũng quy định các tổ chức, cá nhân không được phép sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh sau 10 – 6 – 2016.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thiếu sót của luật là chưa có chế tài cụ thể. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp xử lý quá gấp gáp sẽ không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, khi xửa lý vấn đề này cần chú ý đến đặc thù của TP.HCM. Từ trước năm 1975, TP.HCM đã sử dụng các chung cư để lập văn phòng, mở công ty kinh doanh.
“Khi thực hiện vấn đề này cần phải chú ý đến đặc thù của TP.HCM. Sử dụng văn phòng chung cư làm kinh doanh đã có tính lịch sử. Do đó, Hội đồng nhân dân TP.HCM cần ra nghị quyết để xin một cơ chế riêng”, ông Châu nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, việc trục xuất doanh nghiệp ra khỏi chung cư vô hình chung đã là rào cản, hạn chế điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ.
Các startup thường có xu hướng tận dụng các căn hộ nhỏ làm văn phòng để tiết kiệm chi phí. Khi mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp thường là siêu nhỏ với số lượng nhân sự chỉ khoảng 3 -5 người. Việc sử dụng chung cư thường không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của cư dân xung quanh.
Việc cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng vô hình chung khiến các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải tốn chi phí thuê mặt bằng khá đắt đỏ. Việc này là một cản trở rất lớn đến hoạt động khởi nghiệp đang được khuyến khích hiện nay.
“Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở theo hướng cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động không quá 3 người được hoạt động tại căn hộ chung cư để khuyến khích phong trào khởi nghiệp”, ông Châu kiến nghị.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm, để có một chỗ làm việc tại văn phòng startup, một doanh nghiệp nhỏ thường phải trả trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Để thuê một văn phòng riêng cho 3 – 5 người mất trung bình khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Chi phí này tuy không lớn nhưng lại rất có ý nghĩa với các startup khi mới khởi nghiệp.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh tại các chung cư vẫn diễn ra rất sôi động. Ở nhiều tuyến đường, không có dấu hiệu cho thấy các công ty sẽ chuyển việc kinh doanh ra khỏi chung cư.
Đường Trần Hưng Đạo là nơi có nhiều chung cư làm địa điểm kinh doanh
Hầu hết các chung cư đều nằm ở vị trí đắc địa nên được nhiều công ty thuê mặt bằng
Tầng trệt là địa điểm kinh doanh các mặt hàng gia dụng, điện máy, quán cà phê...
Việc này đã tồn tại từ trước năm 1975
Tầng trệt các chung cư không phải là nơi để ở
Các công ty đua nhau xí phần
Tầng trệt là mặt bằng kinh doanh còn tầng 2 là văn phòng công ty
Càng về phía quận 1, các chung cư trên đường Trần Hưng Đạo càng nhộn nhịp với nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau
Ngay cả quán cà phê dành cho giới trẻ cũng thuê chung cư làm mặt bằng kinh doanh
Các chung cư không còn chỗ ở xung quanh Bến Thành
Các công ty, loại hình dịch vụ mọc lên san sát trong chung cư
Và cả siêu thị
Ở khu phố Tây, quận 1 với các tuyến đường: Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão... nhiều chung cư cũng là mặt bằng kinh doanh
Các loại hình dịch vụ mọc lên để phục vụ du khách
Tầng 2, 3 của chung cư trên đường Bùi Viện cũng là nhà hàng, quán ăn
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều tuyến đường khác ở TP.HCM như: Lê Lợi, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi...
Đặc biệt là ở đường Nguyễn Huệ, quận 1 có rất nhiều chung cư làm nơi kinh doanh
Sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ được làm xong, hàng chục công ty và quán cà phê cùng cư ngụ trong một chung cư
Các công ty, quán cà phê phủ kín chung cư
Theo đại diện các doanh nghiệp, họ sẽ lách luật bằng cách chuyển giấy phép kinh doanh về các ngôi nhà liền thổ. Còn việc kinh doanh vẫn diễn ra ở các chung cư.