Ngày 6-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại dương - Oceanbank. Đáng chú ý là tòa đã hỏi để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc quản lý khoản vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Oceanbank và việc chi lãi ngoài cho các doanh nghiệp thuộc PVN.
Oceanbank tập trung thu hồi công nợ
Tại tòa, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (đại diện theo ủy quyền của Oceanbank) cho biết sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, ngân hàng này đã kiện toàn lại bộ máy, tập trung thu hồi công nợ, tích cực triển khai khắc phục hậu quả do vụ án để lại.
Bà Ngọc khẳng định việc chuyển đổi chủ sở hữu của Oceanbank là hoàn toàn đúng pháp luật. Toàn bộ cổ phần của Oceanbank chuyển sang thuộc sở hữu của NHNN, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông Oceanbank. Theo bà Ngọc, quyền và nghĩa vụ của khách hàng (trước khi Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng) không bị ảnh hưởng gì.
Trong khi đó, đại diện theo ủy quyền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Văn Dũng cho rằng việc NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng là quyết định đơn phương của NHNN. Do vậy, PVN tiếp tục bảo lưu quyền và nghĩa vụ của mình.
Về trách nhiệm của các cá nhân trong việc quản lý khoản vốn góp 800 tỉ đồng (được cho là đã mất) của PVN tại Oceanbank, ông Dũng nói: “Những người đại diện phần vốn góp của đơn vị này tại Oceanbank đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Chúng tôi không có cơ sở để phán xét trách nhiệm của họ”.
Còn cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn khai sau khi sang Oceanbank làm tổng giám đốc, bị cáo đã đề xuất với chủ tịch Hà Văn Thắm một chương trình tổng thể phát triển ngân hàng, trong đó có việc chăm sóc khách hàng. Theo bị cáo Sơn, cáo trạng đã không công nhận chương trình này của bị cáo mà cho rằng chăm sóc khách hàng là chi lãi ngoài. Sơn nói tiếp: “Chăm sóc khách hàng hoạt động mà doanh nghiệp cả thế giới người ta làm, doanh nghiệp muốn phát triển phải làm marketing, tiếp thị chứ...”.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Đức Minh
Đưa tiền trong vòng 30 giây
Tòa đã triệu tập đại diện một số doanh nghiệp thuộc PVN để làm rõ việc chi nhận các khoản lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Trà My (cựu phó giám đốc Chi nhánh Thăng Long) khai bốn lần chuyển tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng cho ông Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Nhìn về phía ông Hùng, bị cáo My xác nhận với tòa đó là người bị cáo đã chuyển tiền.
Trong khi ông Hùng phản bác: “Nghe bị cáo Trà My trình bày, tôi rất ngạc nhiên vì không quen biết chị Trà My. PVEP không có chủ trương nhận lãi ngoài của Oceanbank hay các tổ chức tín dụng khác”. Ông Hùng thừa nhận từ năm 2011 đến 2014, doanh nghiệp này có gửi tiền tại Oceanbank với nhiều hợp đồng khác nhau, có hợp đồng khoảng 5 tỉ đồng, cũng có hợp đồng lên tới 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào của Oceanbank.
Bị cáo My giải thích: “Bị cáo không bao giờ gặp, trao đổi trực tiếp với anh Hùng. Những lần gặp và đưa tiền cho anh Hùng đều diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 30 giây. Những lần đó đều do chị Phương (cựu phó tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Thị Minh Phương, người được tạm đình vụ án do đang điều trị bệnh ung thư - PV) nhờ bị cáo chuyển hộ. Thời điểm chuyển tiền bị cáo đang mang thai ở những tháng cuối nên có thể anh Hùng không nhận ra bị cáo...”.
Tương tự, bị cáo Trà My cũng khai đã ba lần chuyển tiền, tổng số hơn 2 tỉ đồng cho kế toán trưởng Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, kế toán trưởng Tạ Thị Minh Nguyệt cũng phủ nhận việc này. “Tôi chưa bao giờ nhận tiền từ chỗ chị Trà My” - bà Nguyệt nói. “Đấy là quan điểm của chị Nguyệt, bị cáo vẫn giữ lời khai tại cơ quan điều tra và tại tòa” - bị cáo Trà My khẳng định.
Hôm nay tòa tiếp tục làm việc.
19/392 nơi thừa nhận có lấy lãi ngoài Tài liệu điều tra xác định trong thời gian từ năm 2011 đến 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả. Trong số này, nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có nhiều vốn nhà nước (chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn gửi 392 tổ chức kinh tế nói trên yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi ngoài hưởng lợi bất chính. Đã có 143 tổ chức có văn bản trả lời, trong đó chỉ có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank và nộp lại số tiền lãi ngoài đã nhận được (hơn 3 tỉ đồng); hiện vẫn còn 249 tổ chức kinh tế chưa có văn bản trả lời cơ quan điều tra. |