Gần đây, nhiều người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị một nhóm người gọi đến xưng là nhân viên công ty viễn thông thông báo đang nợ tiền cước. Tiếp đó, một người khác nói là công an, hù dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ phạm pháp hình sự rồi yêu cầu chuyển tiền. Đã có người bị bọn chúng lừa lấy cả nửa tỉ đồng.
Bấn loạn nên bị lừa
Anh NVH (ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) phản ánh, trưa 26-6, anh nhận được điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại trả sau gần 7 triệu đồng, nếu không thanh toán trong hai ngày tới sẽ bị “truy tố trước pháp luật”. Khi anh chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì được hướng dẫn: “Nếu quý khách có thắc mắc xin bấm tiếp số 9 gặp tổng đài”. Anh làm theo và được một người xưng là nhân viên tổng đài VNPT ngoài Hà Nội xác nhận sự việc. Nhân viên “tổng đài” còn đọc chính xác họ tên, số CMND, nơi cư ngụ khiến anh tin đó là sự thật. Chưa hết, người này còn nói anh bấm số 0 gặp cán bộ điều tra đang thụ lý hồ sơ để biết rõ hơn. Sau khi anh bấm số 0, đầu bên kia nghe máy rồi xưng là công an. Người này cho biết hiện anh bị điều tra về hành vi gian lận trong quá trình sử dụng dịch vụ cước điện thoại, cơ quan điều tra đã có bằng chứng chuyển sang VKS để bắt giam.
Một nạn nhân của chiêu lừa qua điện thoại đang trình báo với cơ quan công an. Ảnh: VH
“Nghe vậy, tôi bấn loạn nên hỏi ngay: “Giờ tôi phải làm sao đây?”. Phía kia cho biết: “Bước đầu công an điều tra anh gian lận 30 triệu đồng. Vì công an đang điều tra nhiều trường hợp nữa, nếu trong quá trình điều tra xem xét mà không thấy anh phạm tội thì cơ quan công an sẽ hoàn trả lại tiền”. Sau đó người này đọc cho tôi số tài khoản ngân hàng và dặn “phải chuyển tiền ngay”. Vì sợ, tôi liền đi vay bạn bè và chuyển 30 triệu đồng. Sau này tìm hiểu, tôi mới biết mình bị lừa” - anh H. kể.
Chị Phạm Thị Đ. (ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) cũng gặp trường hợp tương tự. Chiều 11-4, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ đề nghị chị thanh toán 9 triệu đồng tiền cước. Người này còn yêu cầu chị cung cấp họ, tên, số CMND rồi dọa số điện thoại của chị liên quan đến đường dây mua bán ma túy từ Bắc vào Nam. Liền đó, một người tự xưng “điều tra viên” đang điều tra vụ án yêu cầu cung cấp thông tin về tiền bạc mà chị gửi ngân hàng. Khi biết chị có 40 triệu đồng, “điều tra viên” trên buộc chị phải rút tiền, chuyển vào số tài khoản của người này để kiểm tra, nếu không liên quan sẽ chuyển hoàn trả. Cũng vì quá lo sợ, chị Đ. đã làm theo…
Theo các nạn nhân thì nhóm lừa đảo này đóng kịch rất giỏi và dùng những ngôn ngữ, lời lẽ của những người đang thi hành luật pháp. “Kiến thức về luật pháp của chúng tôi không có nên nghe mấy người đó hăm dọa gây áp lực và luôn hối thúc về thời gian khiến mình không còn tỉnh táo được nữa. Đến khi làm theo những hướng dẫn của chúng xong thì mới biết mình đã bị lừa…” - chị Đ. nói.
Báo ngay cho cơ quan công an
Đại tá Nguyễn Đình Ngà, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ một số vụ lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua điện thoại vừa xảy ra trên TP Biên Hòa. Đặc biệt có hai trường hợp bị lừa tổng cộng gần 1 tỉ đồng. Nhiều trường hợp nhóm lừa đảo không hề biết thông tin cá nhân của nạn nhân. Tuy nhiên, với kịch bản đã chuẩn bị sẵn, nhóm này xưng công an, cán bộ VKS dùng những lời lẽ dù dọa để lấy thông tin, nắm bắt tài sản của nạn nhân rồi tìm cách lừa đảo.
“Để phòng ngừa các đối tượng lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ, đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật cần xác minh, thu thập tiền, tài khoản trong các ngân hàng. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nếu chưa xác minh rõ các đối tượng này. Khi có người tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra hoặc VKS, người dân nên đề nghị họ cho biết tên, nơi làm việc để trực tiếp đến làm việc. Cạnh đó, người dân báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản khác theo yêu cầu của đối tượng gọi đến” - Đại tá Nguyễn Đình Ngà khuyến cáo.
VĂN NGỌC
Cả tin, mất cả nửa tỉ đồng Bà B. (ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị một nhóm người gọi điện thoại tới xưng là công an điều tra làm rõ việc bà này đang phạm tội vì số CMND của bà B. được sử dụng trong một đường dây rửa tiền với quy mô lớn. Qua cuộc điện thoại, bọn chúng dò hỏi biết bà B. đang có ba sổ tiết kiệm gửi trong ngân hàng với số tiền hơn 500 triệu đồng. Lập tức nhóm lừa đảo yêu cầu bà B. rút hết về rồi gửi vào tài khoản của chúng với lời hứa: “Sau khi đường dây rửa tiền này được phanh phui thì công an chúng tôi sẽ chuyển trả lại cho bà và nhớ không được nói cho ai biết, đây là thông tin tuyệt mật”. Tưởng thật, bà B. vội đi rút hết tiền trong sổ tiết kiệm rồi gửi vào tài khoản của “công an”. Sau khi gửi xong tiền, bà B. kể lại sự việc cho con cháu biết thì đã quá muộn. Trước đó ít ngày, một nạn nhân cũng đến cơ quan Công an TP Biên Hòa trình báo việc bị lừa hơn 400 triệu đồng cũng bằng chiêu thức trên. |