Mất tiền vì chiêu lừa tuyển cộng tác viên bán vé máy bay

(PLO)- Một số đối tượng đã lập trang fanpage giả mạo hãng Vietnam Airlines thông báo tuyển cộng tác viên bán vé máy bay để lừa đảo…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị NT, ngụ TP Huế, cho biết mới đây chị đã bị lừa mất hàng chục triệu đồng qua việc một fanpage mạo danh hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để tuyển cộng tác viên (CTV) bán vé máy bay.

Cụ thể, do công việc lâu nay của chị là đại lý bán vé máy bay và chị rất muốn thành đại lý vé cấp 1 của hãng Vietnam Airlines. Qua tìm hiểu trên mạng, chị thấy có một fanpage của Vietnam Airlines đang tuyển CTV bán vé cho hãng. Chị đăng ký ngay và đã bị lừa mất tiền.

Chiêu trò thử thách làm nhiệm vụ

Chị NT cho biết chị đã đăng ký làm CTV bán vé máy bay qua đường link của một fanpage có tên “Vietnam Airlines tuyển đại lý vé máy bay”. Sau khi đăng ký thì có người trả lời và hướng dẫn chị tải ứng dụng Telegram, sau đó thêm chị vào một nhóm chat có những người ứng tuyển như chị để trao đổi công việc.

bán vé máy bay
Vietnam Airlines khẳng định không có hình thức tuyển cộng tác viên như báo phản ánh. Ảnh: PV

Sau khi tham gia nhóm chat, người quản lý nhóm chat yêu cầu chị thực hiện một số thử thách, nếu hoàn thành sẽ được tuyển làm CTV. Thử thách mà họ đưa ra là chị T phải chuyển tiền vào một số tài khoản. Việc chuyển tiền này được giải thích là “theo dõi lịch trình bay”.

“Vì fanpage này có vài ngàn lượt theo dõi, kèm theo là rất nhiều hình ảnh của hãng Vietnam Airlines được đăng tải nên tôi cũng không nghi ngờ gì mà chuyển tiền. Tổng cộng tôi đã chuyển hai lần, với tổng số tiền 43 triệu đồng” - chị T nói.

Chị T cũng chia sẻ thêm sau khi chị chuyển số tiền trên thì người quản lý nhóm chat lại thông báo chị đã chuyển sai lệnh, sai nội dung nên yêu cầu chị phải chuyển thêm 67 triệu đồng để hoàn thành thử thách, trở thành CTV. Người này còn gửi cho chị T một số giấy chứng nhận trở thành CTV bán vé máy bay của những người khác để lấy lòng tin của chị.

Đồng thời, trong lúc này những tài khoản trong nhóm chat cũng động viên chị an tâm mà chuyển thêm tiền, bởi vì họ đã chuyển rồi nên không sao…

Tuy nhiên, vào thời điểm này chị T đã thấy nghi ngờ nên không chuyển thêm tiền. Chị cũng liên hệ một số bạn bè cùng làm đại lý bán vé máy bay để hỏi và được biết fanpage chị liên hệ, chuyển tiền là giả mạo.

“Lúc này, tôi liên hệ lại trên nhóm chat và hỏi lại việc chuyển tiền, việc làm CTV bán vé máy bay… thì họ không trả lời và chặn mọi liên lạc với tôi” - chị T nói.

Cũng theo chị T, không những chị mà cũng đã có một số người đang làm đại lý bán vé máy bay bị lừa với thủ đoạn như trên.

Giả mạo thương hiệu để lừa đảo bị xử phạt như thế nào?

Tùy vào mức độ vi phạm, người tự ý sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác để lừa đảo có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, việc các đối tượng tự ý sử dụng trái phép hình ảnh của người khác và dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021.

Ngoài ra, đối với hành vi dùng hình ảnh của người khác để lừa đảo đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 20 năm tù. Cao nhất là phạt tù chung thân theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Vietnam Airlines không có hình thức tuyển cộng tác viên

Liên quan đến vụ việc trên, đại diện hãng Vietnam Airlines khẳng định hãng không có hình thức tuyển CTV như báo phản ánh. Đây là hình thức mạo danh thương hiệu, uy tín của hãng hàng không quốc gia để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng một số hình ảnh của hãng để tạo một fanpage giả mạo nhằm đánh vào lòng tin của khách hàng.

Bên cạnh đó, các hình thức lừa đảo qua mạng hiện nay không còn mới, cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần cảnh báo đến người dân để nắm bắt thông tin, cảnh giác. Thế nhưng các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, chúng lợi dụng niềm tin của người dân vào các thương hiệu, tập đoàn nổi tiếng để dễ dàng thực hiện thủ đoạn lừa đảo, đưa con mồi vào bẫy.

Do đó, Vietnam Airlines khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác để không mất tiền vì sự cả tin, phải tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi thực hiện các giao dịch. Đặc biệt, không chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng lạ hoặc cân nhắc thật kỹ trước khi chuyển tiền.

Đồng thời, Vietnam Airlines chỉ có một website chính thức tại địa chỉ https://www.vietnamairlines.com và một fanpage chính thức trên Facebook có tên Vietnam Airlines với hơn 2 triệu người theo dõi, còn lại các fanpage khác đều là giả mạo.

Ngoài ra, hãng này cũng từng cảnh báo việc một số đối tượng sử dụng chiêu trò gắn mác thương hiệu Vietnam Airlines để lừa đảo khách hàng.

Cụ thể, các đối tượng này sẽ tạo nhóm chat từ danh sách số điện thoại có sẵn hoặc tham gia vào các hội nhóm trên Zalo, Viber, Facebook… Sau đó mạo danh là đối tác của Vietnam Airlines, mời khách hàng tăng tương tác trên các mạng xã hội cùng vài thỏa thuận trả tiền hoa hồng theo từng nhiệm vụ được giao.

Các đối tượng này sử dụng chiêu trò giới hạn thời gian, yêu cầu người tham gia phải hành động tức thời... Đây là những sơ hở phổ biến để các đối tượng này đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP... và mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản.

Vietnam Airlines xác nhận không tổ chức hay phối hợp tổ chức các chương trình trả tiền hoa hồng cho cá nhân để tăng tương tác của hãng dưới mọi hình thức.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm