Thời điểm tháng 2 sau Tết lẽ ra các dịch bệnh phải giảm dần, thế nhưng tình hình bệnh sởi tại TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và vẫn diến biến phức tạp từ tháng 8-2018 đến nay.
Trong đó, các chuyên gia nhận định ý thức tiêm chủng cho con tại cộng đồng chưa cao là lý do khiến cho các ca mắc sởi chưa dừng lại. Riêng tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hiện có khoảng gần 20 trẻ bị sởi đang điều trị, trong đó có nhiều trẻ bị nặng, đã biến chứng viêm phổi, tiêu chảy...
Bé Nguyễn Phát Đ. (28 tháng tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) do sốt cao ba ngày rồi nổi ban nên mẹ bé cho nhập viện hai ngày qua. Chị Trần Tú L., mẹ bé chia sẻ từ khi bé được bốn tháng tuổi đến nay, nghe theo phong trào “anti vắc xin”, chị đã không cho bé tiêm phòng vì sợ con về ốm nhiều hơn.
“Từ hồi bốn tháng tới giờ, thấy con cứ nóng, bệnh hoài nên tôi chưa cho bé đi tiêm phòng vì sợ tiêm xong bé bệnh nặng hơn. Đến khi tôi muốn quay lại tiêm cho bé thì hết thuốc. Hiện giờ bé cũng chưa được tiêm mũi sởi nào cả. Tôi cũng không cho bé đi đâu, ở nhà tôi giữ bé, vẫn cho bé ăn uống đầy đủ bình thường nhưng không hiểu sao bé vẫn bệnh”, chị L. kể.
Các bệnh nhi đang điều trị sởi tại TP.HCM. Ảnh: KD
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM lo ngại việc các phụ huynh “anti vaccine”, không cho con tiêm ngừa ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ tiêm chủng. Một khi theo trào lưu anti vaccine, các phụ huynh sẽ không tiêm ngừa cho con, đồng thời làm ảnh hưởng đến những người đang lừng chừng giữa chuyện tiêm ngừa hay không. Hoặc khi con cái ốm vặt, phụ huynh sẽ không cho con tiêm tất cả các loại vaccine, không phân biệt được vaccine nào có tác động mạnh tới bé, vaccine nào an toàn và không có biến chứng nào sau khi tiêm...
Trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 – 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền chích ngừa vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Các bác sĩ đã phải điều trị rất vất vả cho bệnh nhi mắc sởi vì phải cách ly, có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính, việc điều trị khó khăn hơn nhiều.
Bác sĩ Khanh nhận định, tỉ lệ tiêm chủng nếu tiêm sót mỗi năm 5% thì nhiều năm dồn lại sẽ có nhiều trẻ không được chích ngừa, việc mắc bệnh và lây lan sẽ nhanh chóng hơn, vì vậy sẽ dồn lại thành từng đợt và có thể thành dịch.
BS Khanh khuyến cáo: “Vaccine sởi là một vaccine rất an toàn và hiệu quả rất cao. Tiêm ít nhất hai mũi và tiêm đúng thời gian thì không có trẻ nào bị mắc. Đặc biệt các trẻ tiêm mũi sởi dịch vụ phải lưu ý tuân thủ mũi chín tháng, mức độ lặp lại mũi thứ hai đúng khoảng cách, đừng để đến lúc 12 tháng mới tiêm mũi 1, rồi chờ thời gian vài năm mới tiêm mũi nhắc lại, sẽ là khoảng trống để virus sởi xâm nhập”.
Các phụ huynh đưa con đi chích ngừa tại Trạm y tế phường Tân Thới Nhất, quận 12. Ảnh: KD
Trước tình hình trên, để phòng ngừa bệnh sởi, người dân cần đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp. Những trường hợp có triệu chứng của bệnh hô hấp kèm theo mắt đỏ, hoặc phát ban, nhất là phụ nữ có thai và người chưa tiêm ngừa bệnh sởi cần ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Tại điểm Trạm y tế phường Tân Thới Nhất, quận 12, nơi triển khai tiêm chủng và tiêm vét vaccine sởi, BS Trương Minh Thống Nhất, Trưởng trạm y tế phường cho biết đầu năm 2019, tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn mới chỉ có 56%. Đây là một tỉ lệ rất thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Rất nhiều lần trạm y tế mời phụ huynh đến tiêm phòng cho con nhưng nhiều người cũng không đưa trẻ đến trạm. Tại phường cũng vừa có một chùm ca bệnh sởi với hai trường hợp mắc sởi là hai bệnh nhi chưa đến tuổi chích ngừa sởi (chín tháng tuổi).
Trước tình hình trên, các y bác sĩ trạm ngoài nhắc nhở ghi chú cụ thể mũi tiêm cho phụ huynh còn dành một ngày tại mỗi trường học để tổ chức tiêm vét ngay tại chỗ, nhằm tránh tình trạng mời phụ huynh rồi nhưng họ bận rộn quên không đưa con tới tiêm ngừa. Đối với các trẻ không đến trường, bác sĩ Nhất cho biết trạm y tế sẽ kết hợp với ban điều hành khu phố và gửi thông báo xuống các tổ trưởng luôn để mời phụ huynh đưa bé tới chích ngừa.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, hiện bệnh sởi trên địa bàn TPHCM đang diễn biến rất phức tạp, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận đến 978 ca mắc bệnh sởi. Hiện tại bệnh sởi đã có mặt tại 24/24 quận - huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, quận 7, quận 8 và huyện Bình Chánh. Trong tổng số ca mắc sởi trên có đến 95% là chưa tiêm phòng vaccine sởi. Theo nhận định của các chuyên gia y tế dự phòng, tình hình bệnh sởi hiện nay ở TP.HCM vẫn đang có chiều hướng gia tăng, một số địa phương khác trong nước và nước ngoài cũng đang gia tăng số ca mắc bệnh sởi. |