Đến từ quốc gia tiên phong về công nghiệp 4.0, GS. Gottfried Vossen, cho rằng ngày nay hầu hết các công ty đều số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Trong đó điển hình là Uber đã ứng dụng và phát triển vượt bậc so với các công ty truyền thống. Đây cũng là xu hướng của thời đại khi họ áp dụng các thành tựu khoa học và sự tương tác kết nối để phát triển các mô hình kinh doanh khác xa với trước đây.
Cụ thể, ở thập niên 70, các giáo viên đều sử dụng bảng và phấn để giảng dạy. Nhưng ngày nay công năng của hai vật dụng này gần như không còn, thay vào đó là máy chiếu, giáo trình điện tử, video… Còn sinh viên gần như không viết tay, ít đọc hơn, bởi vậy khi giảng viên hướng dẫn cung cấp tài liệu sinh viên thường than phiền tốn thời gian vì vào lớp họ thường lướt facebook. “Tại Đức không bắt buộc phải đến lớp, chỉ khi nào giảng viên thông báo sắp tới thi môn gì thì sinh viên mới có mặt đông đủ”, GS Gottfried Vossen chia sẻ.
GS. Gottfried Vossen (Đại học Munster, Đức) chia sẻ kinh nghiệm về mô hình ĐH 4.0. Ảnh: A. NHIÊN
Ông nhìn nhận, chính vì có sự tương tác nhanh chóng và nhiều thông tin cùng tiếp nhận nên sự tập trung cao độ nhất của con người trong ngày chỉ còn 8 giây, trong khi cá vàng là 13 giây. Cùng với đó, sinh viên sử dụng mạng xã hội và điện thoại thông minh phổ biến nên văn hóa đọc giảm 80%, bộ nhớ của não bộ giảm 50%. Từ đó, GS. Gottfried Vossen đánh giá, các giá trị truyền thống bị tác động, theo đó các trường ĐH cần phải thay đổi để thích ghi với xu hướng thời đại để tiếp cận sinh viên.
GS cũng chỉ ra rằng, các trường ĐH công lập luôn lý tưởng hóa các giá trị truyền thống lâu nay họ tạo dựng. Bởi vậy, các trường này muốn “đổi máu” rất khó khăn do họ đã áp đặt các chuẩn truyền thống, đơn giản nhất là giảng đường không phù hợp để thiết kế một chương trình giảng dạy tương tác, kết nối. Ngoài ra vấn đề cốt lõi khác hầu hết trường công ở các nước đều có sự tiếp sức của Chính phủ nên họ không có động lực để cạnh tranh với bên ngoài.
Vậy ĐH 4.0 cần chuẩn bị những điều kiện gì? GS chia sẻ kinh nghiệm: Thay vì thuần túy các tài liệu, giáo trình khô khan sinh viên ít tập trung đọc, nghiên cứu, các trường nên game hóa các tại liệu, giáo trình giảng dạy để tạo động lực, kích thích sinh viên học tập. Đồng thời cần tuyển các giáo viên trẻ để tăng cường sự tương tác, kết nối với sinh viên nhiều hơn, vì đây cũng là nhu cầu thực tế của sinh viên.
“Thực tế mô hình ĐH truyền thống đang bị thách thức nhưng mô hình ĐH 4.0 vẫn đang trong giai đoạn vừa làm vừa mò mẫm học tập nên chưa có một mô hình lý tưởng vì công nghệ thường xuyên thay đổi, nhu cầu học tập của sinh viên cũng luôn thay đổi. Tuy nhiên các trường ĐH không nên bỏ qua lý thuyết, vội vàng xa rời khoa học nền tảng. Cũng không nên quá chiều các đòi của sinh viên bỏ qua các nền tảng kiến thức cơ bản để xây dựng cái mới vì các nền tảng ĐH 4.0 chưa có chuẩn cụ thể mà là mục tiêu di động”, GS. Gottfried Vossen chia sẻ.
Hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu gặp gỡ, chia sẻ về tầm nhìn, định hướng và kinh nghiệm về giáo dục 4.0. Hội thảo còn giúp những người làm nghiên cứu khoa học, những người làm công tác quản lý, công tác giảng dạy tích lũy kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến đa chiều về khoa học công nghệ và sự tác động của nó đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. |