Cả cuộc đời nữ sĩ Mộng Tuyết gắn với thi sĩ Đông Hồ, từ thơ văn đến tình yêu vợ chồng thật hiếm có. Ông vừa là người thầy, người bạn văn chương và người chồng đáng kính.
Viết văn từ thuở 12
Nữ sĩ Mộng Tuyết tên thật là Thái Thị Úc (đúng ra phải viết là Út, vì bà là con gái út, thứ bảy theo người Nam, nên ở nhà gọi là Út Bảy - do vậy sau này bà lấy bút hiệu là Mộng Tuyết - Thất Tiểu Muội). Bà sinh năm 1914 tại Hà Tiên. Sau khi học hết bậc tiểu học Pháp, bà học thêm tiếng Việt ở Trí Đức học xá do nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phác sáng lập và trực tiếp dạy.
Từ năm 12 tuổi, Mộng Tuyết bắt đầu tập viết văn dưới sự hướng dẫn của nhà thơ Đông Hồ, bấy giờ đã rất nổi tiếng với những áng thơ văn đăng trên Nam Phong tạp chí. Ông thầy đã gom những bài viết đầu tay của Mộng Tuyết đặt tựa là Bông hoa đua nở gửi đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1930. Sau này bà còn ký các bút hiệu Hà Tiên Cô, Nàng Út, Bạch Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ…
Năm 1939, Mộng Tuyết đoạt giải văn chương của Tự Lực Văn đoàn với tập thơ Phấn Hương Rừng… Năm 1943, Mộng Tuyết cùng các nữ sĩ Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ in chung tập thơ Hương Xuân. Tác phẩm văn xuôi nổi tiếng của bà là truyện Nàng Ái Cơ trong chậu úp ấn hành năm 1960 lấy sự tích nàng Ái Cơ của Mạc Thiên Tích mà bà đã nghe kể từ nhỏ và thai nghén từ lúc bắt đầu cầm bút.
Kiến nghị trả lại tên trường Đông Hồ
Đã có nhiều người viết về mối tình thơ và duyên cầm sắt của đôi vợ chồng thi nhân Đông Hồ - Mộng Tuyết, tôi chỉ xin kể vài hồi ức đáng nhớ về bà. Tôi may mắn được quen biết nữ sĩ Mộng Tuyết sau khi bà dời từ Quỳnh Lâm thư thất, số 14 Lam Sơn, Bình Thạnh về căn biệt thự 328 Nguyễn Trọng Tuyển, Tân Bình. Thỉnh thoảng tôi đến thăm hoặc bà cho người nhắn bảo tôi đến để hỏi tôi việc gì đó, có khi là hỏi thăm chuyện vợ con tôi. Tôi rất cảm động với sự quan tâm của bà… Năm 1995, trước khi bà quyết định về lại Hà Tiên để xây dựng nhà lưu niệm Đông Hồ, bà cho người gọi nhưng tôi đang đi công tác. Khi về tôi nhận được thư của nữ sĩ. Trong thư bà viết cho tôi có kèm hai lá đơn kiến nghị gửi lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM đề nghị trả lại tên trường THCS Quang Trung, Tân Bình thành trường Đông Hồ. Bà cho biết: Trước năm 1975, đây là ngôi trường tư của gia đình Đông Hồ - Mộng Tuyết, sau ngày 30-4 đã được TP tiếp quản và đổi tên thành Trường Quang Trung.
Đáng buồn là dù tôi đã chuyển đơn của nữ sĩ cho cấp có thẩm quyền cũng như liên hệ một số lãnh đạo ngành giáo dục bấy giờ nhưng chỉ được hứa là sẽ trình cấp trên. Cho đến nay đã qua 20 năm, tôi viết những dòng này mong các cấp có thẩm quyền nên giải quyết ước nguyện rất hợp tình hợp lý của bà. Nếu được giải quyết chắc nữ sĩ sẽ ngậm cười nơi chín suối.
Về chuyện xin lại căn nhà Trí Đức học xá cũ, mà sau năm 1975 đã được tiếp quản và biến thành kho thóc của công ty lương thực, cũng khá gay go. Nữ sĩ đã phải làm đơn và nhờ người đi gõ cửa nhiều nơi trong một thời gian dài, mãi đến năm 1995 bà mới nhận lại được một nửa căn nhà đã hư nát. Nữ sĩ bán căn nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, TP.HCM về Hà Tiên xây dựng nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ mà bà đặt tên là “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” trên một nửa nền nhà Trí Đức học xá ngày trước. Dẫu vậy nữ sĩ cũng mãn nguyện phần nào. Trước nhà bà cho trồng hai cây liễu như ý thích của cố thi sĩ. Bà sống những năm cuối đời với một người cháu gái, bên hình ảnh người chồng quá cố treo khắp nơi trong thư phòng, nơi bà thỉnh thoảng tiếp những khách quý từ phương xa, với cuốn sổ lưu niệm để khách ghi cảm tưởng.
Còn tôi khi nào có điều kiện lại tranh thủ về Hà Tiên thăm bà. Qua tuổi 90, bà yếu hẳn, mỗi lần về Hà Tiên tôi phải gọi điện thoại báo trước cho người cháu bà, vì chân bà yếu không tự đi mở cửa được. Nếu đến vào lúc người cháu đi chợ, tôi phải qua bên kia đường, bên bờ hồ chờ và ngắm toàn cảnh căn nhà “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường”. Có khi tôi cũng tranh thủ qua bên kia cầu phao, lên núi Tô Châu thăm mộ cố thi sĩ, một người tôi rất ngưỡng mộ cả về tài năng lẫn nhân cách nhưng không có duyên được làm môn đệ. Ngày nữ sĩ Mộng Tuyết mất tôi đang đi miền Trung, hôm sau đọc báo mới hay tin. Mấy tháng sau tôi mới về Hà Tiên thăm mộ và thắp nén nhang tưởng niệm bà, một người mà tôi vô cùng yêu quý. Năm ngoái tôi có việc đi Hà Tiên, khi ngang qua “Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường” nhìn hai cây liễu ủ rũ trước cổng, tôi lại bùi ngùi nhớ cô!
Cổ súy cho tiếng Việt
Đông Hồ là một trường hợp rất đặc biệt. Trong lúc bấy giờ học sinh từ tiểu học đã phải học chương trình Pháp thì năm vừa 20 tuổi ông đã thành lập Trí Đức học xá bên bờ Đông hồ, chủ trương chuyên dạy tiếng Việt, cổ súy mọi người tin vào tương lai tiếng Việt.
Ông bảo nhờ đọc Nam Phong tạp chí mà ông thêm yêu tiếng Việt. Ông cộng tác với Nam Phong đến năm 1935. Sau khi Nam Phong đóng cửa, ông bèn lên Sài Gòn xin phép xuất bản tuần báo Sống nhưng chỉ được 30 số thì Sống cũng đình bản. Ông lại quay về Hà Tiên. Năm 1945 Đông Hồ có tham gia kháng chiến một thời gian nhưng vì sức khỏe kém nên ông lại trở lên Sài Gòn lập NXB Bốn Phương và mở nhà sách Yiễm Yiễm thư trang. Năm 1953, ông xuất bản tập san Nhân Loại. Đến năm 1964, ông ngưng tất cả hoạt động báo chí, xuất bản, phát hành sách, về ẩn cư ở đường Lam Sơn Gia Định - mà ông gọi là Quỳnh Lâm thư thất - chuyên việc trước tác. Năm 1965, ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam ở ĐH Văn khoa Sài Gòn. Ngày 25-3-1969, Đông Hồ đột quỵ lúc ông đang đọc cho sinh viên nghe bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang. Ông được đưa ngay vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị đứt mạch máu não không thể cứu chữa, gia đình đưa về nhà được 15 phút thì ông mất!
Sự nghiệp văn chương của ông gồm thơ, ký, biên khảo..., từ thơ cũ đến thơ mới; từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại được các nhà phê bình nổi tiếng đánh giá cao. Cùng với vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết, Đông Hồ đã làm rạng rỡ văn học miền Nam nói chung, văn học Hà Tiên nói riêng.
Theo tôi, với Cô Gái Xuân, Đông Hồ xứng đáng là người tiên phong của Thơ Mới cùng với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận... mặc dù bước khởi đầu thi ca của ông là thơ cũ, thơ Đường luật, giống trường hợp Hàn Mặc Tử, dù không đi đến tận cùng như thơ Hàn! Các tác phẩm thơ quan trọng của Đông Hồ là: Thơ Đông Hồ (1932), Cô Gái Xuân (1935), Bội Lan Hành (1969)...
Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, sinh năm 1906 tại Hà Tiên. Gia tộc ông vốn gốc người Phúc Kiến sang Việt Nam đã bảy đời - có lẽ cùng lúc với Mạc Cửu. Mấy đời đều sống ở ven Đông Hồ Ẩn Nguyệt, một trong Hà Tiên thập cảnh trong thơ Mạc Thiên Tích. Và khi chết đều được chôn trên núi Tô Châu, cạnh Đông hồ. Cả thi sĩ Đông Hồ, khi chết ở Sài Gòn được chôn ở Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, đến sau năm 1975 nghĩa trang này giải tỏa, hài cốt thi sĩ cũng được đưa về cải táng trên lưng chừng núi Tô Châu! Vì vậy khi bắt đầu làm thơ, Lâm Tấn Phác lấy bút hiệu Đông Hồ. Ông còn ký các bút hiệu Đại Ẩn Am, Thủy Cổ Nguyệt, Nhị Liễu Tiên Sinh (nhà ông lúc nào cũng trồng hai cây liễu trước cổng. Bây giờ trước nhà lưu niệm ông cũng có hai cây liễu). Lâm Tấn Phác mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bác là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và lo chuyện vợ con. Người vợ đầu - Linh Phượng do người bác dâu chủ động tác hợp cho ông, chết khi mới vừa 20, để lại cho ông một con gái. Trong bài Lệ ký Linh Phượng, Đông Hồ khóc vợ với những câu thống thiết, cùng với bài Giọt lệ thu của nữ sĩ Tương Phố khóc chồng đăng cách nhau mấy số trên Nam Phong tạp chí năm 1928 đều là những áng thơ văn đặc sắc, cực kỳ nổi tiếng trước thời kỳ Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn. “Hai giọt lệ” này đã làm xao động biết bao con tim, lấy bao nước mắt nữ độc giả và đã trở thành giai thoại văn chương bấy giờ. Một thời gian ngắn sau, Đông Hồ đã vâng lời ông bác tái giá với người chị thứ năm của Mộng Tuyết tên Nhàn Liên. Nhưng chỉ mấy năm sau, bà Nhàn Liên lại mang bạo bệnh và mất khi tuổi đời cũng còn rất trẻ, để lại hai đứa trẻ thơ cùng với đứa con gái lớn của Linh Phượng cho một tay Thất Tiểu Muội chăm sóc. Và chuyện gì đến đã đến: Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, người học trò yêu, người bạn thơ trẻ trở thành Đông Hồ phu nhân. |