Đề xuất bỏ quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp chân dung chủ thuê bao điện thoại di động. Đây là động thái mới nhất từ Bộ TT&TT và động thái này được người dân, chuyên gia ủng hộ.
Điều đáng mừng là trong tờ trình gửi Chính phủ đề nghị sửa đổi một số quy định liên quan đến dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Viễn thông, Bộ TT&TT thừa nhận rằng: Ngay sau khi quy định chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp đối với thuê bao di động được triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng. Bởi đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết...
Quan điểm hiện nay của Bộ TT&TT thật khác xa so với hồi tháng 4-2018. Lúc ấy quy định chụp ảnh, bổ sung ảnh chân dung chủ thuê bao sắp đến ngày triển khai, nhiều phân tích thấu đáo về tính không hợp lý của quy định này đã được chỉ ra. Lúc đó, những lý do về an ninh, an toàn lại được đem ra để làm bệ đỡ cho quy định này.
Đáng nói, Cục Viễn thông ngày 23-4 vẫn rất kiên định yêu cầu các nhà mạng và chủ thuê bao phải thực hiện nghiêm. Thế nên hàng triệu thuê bao phải khổ sở, chen chúc chụp ảnh thuê bao chính chủ. Còn các nhà mạng thì tốn kém không ít để thực thi quy định bị đánh giá là thừa thãi này.
Nay với đề xuất bỏ quy định không khả thi trên, dường như Bộ TT&TT đã thay đổi thực sự tư duy về quản lý nhà nước theo hướng có lợi cho dân. Bởi nếu bỏ quy định này thì những xung đột với các quy định pháp luật khác sẽ không còn tồn tại đã đành, mà thực tế ý kiến người dân cũng được lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị.
Điều này cũng đồng nghĩa hình ảnh các chủ thuê bao phải xếp hàng chờ các nhà mạng chụp ảnh có thể chỉ còn là dấu ấn của một thời tư duy áp đặt lên ngôi. Những tranh cãi hay lời khẳng định của các chủ thuê bao rằng sẽ kiện các nhà mạng nếu ngắt dịch vụ của họ vì lý do không cung cấp ảnh chân dung kịp thời sẽ trở thành dấu ấn cho nỗ lực bảo vệ pháp luật của người dân và chuyên gia trong quá khứ!
Đề xuất bỏ quy định chủ thuê bao phải chụp ảnh, bổ sung ảnh chân dung cho các nhà mạng có thể chưa phải là thay đổi căn cơ của Bộ TT&TT nhưng ít nhất nó là biểu hiện của một sự chuyển đổi. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông rõ ràng là không thể thiếu nhưng nó phải bằng một cách thức và nội dung phù hợp với sự tiến bộ của xã hội, không gây phiền toái cho người dân và gây tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp.
Từ đây nhiều người cũng kỳ vọng Bộ TT&TT, với những sự thay đổi căn bản được tiến hành gần đây, sẽ có thể trở thành một trong những “bộ cải cách” như Thủ tướng từng phát biểu.