Hiện nay, tình trạng sử dụng phương tiện quá “đát” tại Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Để bắt gặp hình ảnh một chiếc ô tô cũ nát, nhả khói đen xì chạy dọc các tuyến đường không phải khó.
Nhiều bạn đọc lo ngại khả năng nguy hiểm khi những phương tiện này lưu thông trên đường. Một chiếc ô tô sử dụng trong bao nhiêu năm thì hết niên hạn, nếu sử dụng xe đã hết niên hạn thì bị xử lý ra sao… là những câu hỏi khiến nhiều người còn băn khoăn.
Một chiếc ô tô cũ trong bãi trông giữ xe vi phạm tại Hà Nội. Ảnh: TUYẾN PHAN
Cục CSGT (C67, Bộ Công an) đã giải đáp cho những thắc mắc này. Theo đó, Nghị định 95/2009 quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, cụ thể như sau:
- Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng.
- Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người.
- Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01 tháng 01 năm 2002.
Thời điểm tính niên hạn sử dụng của xe ô tô được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.
Theo Nghị định số 46/2016, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô và các loại xe tương tự xe ô tô điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thông qua công tác bảo đảm trật tự ATGT, lực lượng CSGT nếu phát hiện xe ô tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe 3 bánh, 4 bánh tự chế tham gia giao thông thì sẽ lập biên bản, đình chỉ lưu hành xe, tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho cơ quan CSGT nơi đã đăng ký xe đó biết để làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.
Ngoài việc trực tiếp phát hiện, việc tịch thu phương tiện hết niên hạn sử dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe.