Gần đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát, quá “đát”. UBND TP đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Theo Chủ tịch TP Hà Nội, cần phải có biện pháp thu hồi số xe máy này.
Ngay lập tức, đề xuất nói trên đã nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Bên cạnh việc ủng hộ, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của vấn đề.
Thế nào gọi là quá “đát”?
Ngày 2-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, cho rằng việc thu hồi xe máy hết niên hạn và không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là chính đáng.
Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh: “Hiện nay cần hiểu rằng xe quá “đát” là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông chứ không phải là hết ngày, hết giờ, hết niên hạn. Phương tiện có thể cũ nhưng điều kiện an toàn kỹ thuật vẫn đảm bảo thì vẫn có thể được vận hành”.
Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cũng khẳng định những xe máy quá “đát” hiện được hiểu là những xe không còn đảm bảo an toàn kỹ thuật chứ không có nghị định, thông tư nào quy định cụ thể là xe quá “đát”. Lâu nay loại này cũng thường được gọi là “xe mù”, “xe mờ”. Khi lưu thông, các xe thường vi phạm các lỗi như thiếu đèn còi, biển số bị mờ, thay đổi kết cấu xe… Các xe này thường tập trung ở các khu vực có chợ, khu vực mua bán đông đúc, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng đề xuất thêm muốn biết xe máy hết niên hạn, quá “đát” hay chưa thì Chính phủ phải ban hành quy định về niên hạn đối với loại xe này.
“Hiện tại chúng ta cũng đã lên lộ trình để thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy. Theo tôi, trước khi quy định niên hạn, cần thúc đẩy nhanh việc kiểm soát khí thải đối với xe máy thông qua việc kiểm tra chất lượng kỹ thuật định kỳ” - ông Hùng nói.
Đội CSGT Bàn Cờ (TP.HCM) xử lý các “xe mù”, “xe mờ” trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM). Ảnh: LÊ THOA
Bị thu hồi có được hỗ trợ?
Theo ghi nhận thực tế của PV, phần lớn các xe máy quá “đát” đang được sử dụng bởi những người lao động thu nhập thấp, là “cần câu cơm” trụ cột của họ. Do đó một vấn đề khác được đặt ra từ thực tế, đó là khi bị thu hồi, chủ phương tiện có được hỗ trợ hay không?
Theo Quyết định 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ, người có sản phẩm thu hồi có quyền: Được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường; thông báo cho Bộ TN&MT hoặc Sở TN&MT trong trường hợp nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ. Như vậy, chưa có quy định cụ thể nào về việc hỗ trợ đối với người bị thu hồi với xe cũ nát.
Nhiều ý kiến cho rằng có thể dùng tiền ngân sách nhà nước để mua lại những xe cũ đang được người dân sử dụng.
Đánh giá về nhận định này, ông Khuất Việt Hùng cho biết việc sử dụng ngân sách từng áp dụng khi thay thế xe ba bánh tự chế ở khu vực nông thôn. Trường hợp các cơ quan nghiên cứu thấy cần thiết, ngân sách có thể đáp ứng hoặc có một nguồn lực tốt thì đây là một giải pháp tốt.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, lưu ý về các trường hợp cố tình sử dụng xe máy không đủ điều kiện lưu hành để đối phó với CSGT nhằm khi bị bắt có thể bỏ luôn xe hoặc những người lợi dụng nguồn nhân công giá rẻ... Do đó khi tiến hành hỗ trợ, cơ quan chức năng cũng cần tính toán kỹ.
Ủng hộ thu hồi nếu có… hỗ trợ Theo ghi nhận của PV vào sáng 2-3, khắp các tuyến phố Hà Nội đều có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy đã cũ nát lưu thông trên đường. Số xe này được sử dụng chủ yếu bởi người lao động thu nhập thấp. Một số khu vực tập trung nhiều như trục đường Phạm Hùng - Vành đai 3, chợ đầu mối Long Biên, các bến xe... Xe cũ nát phần lớn được dùng để chở hàng hóa hoặc làm xe kéo, thường có “tuổi thọ” trên chục năm. Các bộ phận như yếm, ống xả, máy, yên xe... đều đã cũ, rách hoặc han gỉ. Một số người khi được hỏi về việc thu hồi xe cũ nát tỏ ra khá lo lắng bởi với thu nhập từ các công việc mà họ đang làm, để mua được một chiếc xe tốt không phải đơn giản. Số khác thì cho rằng phải có cơ sở để xác định như thế nào là quá “đát”, nếu thu hồi thì chủ xe có được hỗ trợ gì không... Nếu giải quyết được các câu hỏi trên, đa phần đều ủng hộ chủ trương thu hồi xe quá "đát" nhằm giảm ô nhiễm môi trường cũng như tăng cường ATGT. Tình trạng “xe mù”, “xe mờ” lưu thông trên đường cũng rất phổ biến ở TP.HCM. Đại úy Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT quận 12, TP.HCM, cho biết trên địa bàn quận 12 cũng thường xuyên xuất hiện các xe máy đời cũ lưu thông, xe Cub, được dùng để chở gas, chở nước đá… Ở các quận/huyện khác, tình trạng cũng tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, cho biết trước nay TP.HCM chưa có đề xuất về việc thu hồi xe máy cũ nát như TP Hà Nội. TP chỉ có đề xuất về việc kiểm định phương tiện xe máy, nếu không còn đủ điều kiện hoạt động thì sẽ có biện pháp xử lý. Vì mưu sinh, chấp nhận bị phạt nhiều lần Hiện nay, với những lỗi vi phạm của “xe mù”, “xe mờ”, CSGT thường xử phạt theo Nghị định 46/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cụ thể sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, nếu chủ phương tiện không có giấy tờ thì tạm giữ xe theo quy định vì đa phần các xe này đều có số sườn, số máy, có đăng ký xe. Nếu chủ phương tiện bỏ luôn phương tiện thì đơn vị sẽ tiến hành làm hồ sơ thanh lý. Tuy nhiên, việc xử phạt người điều khiển các loại xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật còn gặp khó khăn. Nhiều người vi phạm cho biết họ vì cuộc sống mưu sinh phải chấp nhận bị phạt nhiều lần… |