Số báo trước, trong bài “Tủi thân bác sĩ miệt vườn”, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh những bức chân dung hiện thực của hệ thống y tế cơ sở. Trong số báo này, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên bốn trạm y tế ở bốn quận, huyện khác nhau tại TP.HCM để đi khảo sát. Sau hai ngày, may mắn lắm chúng tôi mới gặp được một bác sĩ trưởng trạm, còn các trưởng trạm khác bận đi học hoặc đi công tác.
Lo chuyện... phong trào
Cô T., điều dưỡng Trạm Y tế phường Bến Thành, quận 1, cho biết trạm có năm nhân viên gồm y sĩ và điều dưỡng. Trạm trưởng và hai người khác đã đi tập huấn phòng, chống thuốc lá trên quận, một nhân viên khác đi khám sức khỏe ở nhà trẻ, còn cô thì trực.
Cô T. cho biết thêm công việc ở trạm là khám bệnh, chống dịch, khám sức khỏe trẻ em, phụ nữ, chương trình người cao tuổi, tâm thần, lao, HIV, muối i-ốt, tiêm vaccine, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… Tổng cộng có đến 20 chương trình y tế quốc gia phải làm, đến nỗi nhớ không hết.
Trạm Y tế phường 12, quận 5 nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, lọt thỏm giữa các bệnh viện lớn bao quanh như Chợ Rẫy, Phụ sản Hùng Vương, ĐH Y Dược và hàng loạt các phòng khám đa khoa, phòng mạch tư, nhà thuốc… “Trạm này có một bác sĩ, một nữ hộ sinh, một điều dưỡng, một dược sĩ trung cấp phục vụ cho 4.000-5.000 dân. Suốt ngày mọi người đi khám bệnh trường học, các chương trình sức khỏe, truyền thông… Hôm nay chỉ mình tôi trực” - chị K., một điều dưỡng thâm niên trên 30 năm làm tại đây, nói.
Chúng tôi tiếp tục đến Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Trạm này rất hoành tráng, có năm giường bệnh, có phòng hồi sức cấp cứu, phòng khám, phòng sinh, phòng nha, phòng Đông y, hội trường… Phó trạm Y tế xã Nguyễn Thị Thi với thâm niên 20 năm cho biết do người dân có đời sống cao nên đi đến các bệnh viện, còn ở đây tiêm ngừa và làm các chương trình sức khỏe cộng đồng.
“Vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa các bệnh mạn tính, tham gia các phong trào địa phương như nghĩa vụ quân sự, kiểm tra văn hóa, tệ nạn xã hội… cái gì phường điều động cũng phải tham gia. Mới tối hôm qua đi phun thuốc đến 9 giờ mới về, nhiều khi thứ Bảy, Chủ nhật, đêm hôm cũng phải đi làm. Làm công tác y tế phường, xã, nếu không đam mê thì sẽ bỏ nghề hết” - vị bác sĩ trưởng trạm một phường ở quận Tân Bình xin giấu tên nói.
Ở các trạm y tế, điều dưỡng, y sĩ khám bệnh, kê toa, chỉ định là chính. Ảnh: DUY TÍNH
Bệnh nhân thưa thớt
Ngồi hơn 15 phút ở Trạm Y tế phường Bến Thành, chúng tôi chẳng thấy một bệnh nhân nào vào trạm. Cô nhân viên trực cho biết mỗi ngày nơi này khám, cấp thuốc cho khoảng trên dưới 10 bệnh nhân. Trạm Y tế phường 12, quận 5 thì vắng như chùa Bà Đanh. Một nhân viên cho biết: “Nói thật là không có ai đến khám bệnh, người ta không tin trạm y tế mà đi bác sĩ tư và bệnh viện không à!”.
Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A đứng thứ hai trong huyện về khám, chữa bệnh, một ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân. Sau hơn 30 phút ngồi tại đây, chúng tôi thấy có hai bệnh nhân vào khám. Bệnh nhân thứ nhất là một em bé bị tiêu chảy. Sau khi nghe nhịp tim, huyết áp, cô y sĩ kêu nhân viên bên quầy thuốc bán cho em bé gói bù nước và khuyên mẹ em đưa em đi BV Nhi đồng hoặc bác sĩ nhi. Bệnh nhân thứ hai bị sốt, sau khi khám thì được chỉ định truyền nước biển. Cô y sĩ căn dặn nếu đến tối mà không khỏe thì… đi bệnh viện, còn mai khỏe thì đến truyền nước tiếp!
Còn tại Trạm Y tế phường 14, quận Tân Bình, cả buổi chiều mới có một người vào khám bệnh. Bác sĩ trưởng trạm Nguyễn Mão cho biết mỗi ngày thường có khoảng năm bệnh nhân. Có tháng thu nhập từ khám bệnh ở trạm chỉ… 450.000 đồng, đủ chi cho việc sửa chữa ống nước, đèn, quạt, Internet.
Thiếu người, máy móc trùm mền
Hầu hết các trạm y tế phường đều được trang bị máy móc đơn giản như máy phun khí dung, máy hút đàm, máy đo đường huyết, bình oxy, bộ khám tai mũi họng, khám mắt. Các trạm y tế xã còn được trang bị thêm máy siêu âm, X-quang. Tuy nhiên, máy móc thì có nhưng không có ai để làm.
Bác sĩ trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A đang đi học chẩn đoán hình ảnh để về sử dụng máy siêu âm, X-quang nhưng đến một năm nữa mới học xong. Tuy nhiên, lại có thông tin người này sắp được điều về làm ở Trung tâm Y tế dự phòng huyện.
Nói về tình hình nhân lực, một trưởng trạm y tế cho rằng: “Không chỉ là đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế phường, xã mà còn phải đầu tư con người, vì chỉ có con người mới có thể làm giảm tải cho tuyến trên. Nếu cho khám bảo hiểm y tế thì phải tăng bác sĩ chứ mình tôi thì làm không nổi (mấy năm rồi xin thêm bác sĩ nhưng không ai về). Có bác sĩ khám bệnh thì họa may mới có bệnh nhân đến khám”.
Lương quá bèo Công việc thì nhiều nhưng không đúng chuyên môn, lương bổng quá thấp là nguyên nhân khiến các bác sĩ trẻ không về làm việc ở trạm y tế phường, xã. Lương một nhân viên trung cấp mới ra trường là 1.080.000 đồng, phụ cấp thêm vài trăm ngàn đồng. Y sĩ Nguyễn Thị Thi nói: “Chủ yếu là người địa phương mới làm ở trạm y tế chứ bác sĩ ra trường lương 1-2 triệu đồng/tháng ai chịu làm”. Trạm y tế này nhìn có vẻ ăn nên làm ra khi có đến 3-4 bác sĩ thuê làm phòng khám tư? Ảnh: DUY TÍNH Làm hơn 30 năm nhưng lương của điều dưỡng K. (Trạm Y tế phường 12, quận 5) chỉ gần 4 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, ngoài giờ làm chị còn nhận đi chăm sóc bệnh nhân để kiếm thêm thu nhập. “Lễ 2-9, các bạn ở các bệnh viện khác được thưởng 2 triệu đồng, còn mình có 100.000 đồng, tủi thân lắm! Trước đây, các trạm có đầy đủ bác sĩ nhưng có nhiều người nghỉ, có người đi học lấy chuyên khoa 1 xong về đi luôn” - điều dưỡng K. kể. Bệnh nhân không thích đến trạm y tế Hiện quận 1 có 10 trạm nhưng chỉ có bốn bác sĩ, vừa mới bổ sung thêm một bác sĩ về hưu nữa là năm. Chúng tôi tăng cường bác sĩ bệnh viện quận xuống phường mỗi tuần 1-2 lần để khám bảo hiểm y tế. Bất cập nhất của trạm y tế là công việc nhiều nhưng lương bổng kém và người làm cũng không giỏi. Công việc của chúng tôi luôn cần người giỏi nhưng trạm y tế không có thêm thu nhập nên việc hút nhân lực từ trung bình khá trở lên rất khó. Thí dụ, điều dưỡng học trung cấp ở hai trường ĐH y lớn sẽ về các bệnh viện, còn lại chúng tôi “hốt ổ” điều dưỡng của các trường tư nhân. Nếu ai học nâng cao được thì cũng bỏ đi chỗ khác làm để có thu nhập cao hơn. Vừa rồi chúng tôi bị mất hai nữ hộ sinh, một xin qua BV Từ Dũ, một mới vào làm đã nghỉ để qua BV Hùng Vương. BS LÊ VĂN THỂ, Giám đốc Trung tâm Y tế |
DUY TÍNH