Vấn đề ở đây là liệu tín hiệu đó có phải là có chủ ý hay không, và liệu Trung Quốc có hành động để ngăn chặn NDT không rơi xuống mức 7 NDT đổi 1 USD hay không.
Tỉ giá đó đã trở thành ngưỡng giới hạn cho thị trường toàn thế giới, nếu ngưỡng đó bị phá vỡ, nó có thể gây ra những phản ứng tiêu cực trong hệ thống tài chính toàn cầu, khi những nhà đầu tư chuyển sang chuẩn bị cho một tác động kinh tế lớn hơn từ cuộc chiến thương mại dài hơi hơn, căng thẳng hơn.
NDT khá ổn định trong năm nay, khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành đàm phán thương mại. Thế nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter đe dọa nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc ngày 5-5, NDT tại Trung Quốc (CNY) đã giảm 2,7% so với USD.
Trang CNBC dẫn lời Jens Nordvig, CEO của Exante Data: “Cú sốc thương mại mà chúng ta đang thảo luận hiển nhiên là một cuộc chiến thương mại toàn diện, thế nên đây rõ ràng là một kịch bản rất đáng sợ. Chúng ta hy vọng cuộc chiến thương mại này có thể bị ngăn chặn trong giai đoạn đàm phán hiện nay, thế nhưng mọi chuyện lại có vẻ chẳng tốt chút nào. Cũng chưa rõ là liệu các quan chức Trung Quốc có muốn đấu tranh quyết liệt để giữ cho NDT ổn định hay không. Đó là một câu hỏi lớn hiện nay”.
Đồng NDT ở nước ngoài (CNH) - được giao dịch ở Hong Kong và chịu tác động nhiều hơn từ các trader quốc tế - chạm mức 6,945 NDT đổi 1 USD, còn đồng NDT ở Trung Quốc (CNY) - chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - vẫn chỉ nhỉnh hơn 6,91 NDT đổi 1 USD một chút trong ngày 17-5. Tuy nhiên, theo ông Nordvig, không giống những phiên khác, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy PBOC đang cố gắng để ngăn chặn đà suy yếu của NDT.
Cũng chưa rõ liệu đó có phải là hành động chủ ý hay không, và đó có phải là động thái của các quan chức Trung Quốc để đáp trả lại những căng thẳng thương mại và động thái của Mỹ trong tuần này là ngăn chặn công ty viễn thông Huawei mua linh kiện từ các công ty Mỹ.
Theo CNBC ngày 17-5, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã bị đình trệ và vòng đàm phán kế tiếp vẫn chưa được lên lịch.
Đồng NDT yếu hơn là nguồn gốc gây bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm. Trước đây, Tổng thống Trump từng cáo buộc Trung Quốc cố ý làm suy yếu NDT để gây thiệt hại cho Mỹ. Nếu Trung Quốc cho phép NDT suy yếu, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có sức cạnh tranh hơn, nhưng các chiến lược gia cho rằng đến lúc đó Bắc Kinh sẽ phải lo ngại về tình trạng tháo chạy của dòng vốn và có lẽ họ sẽ không muốn đối mặt với rủi ro đó.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Bannockburn Global Forex, nhận định: “Thị trường đang kiểm tra sự quyết tâm của PBOC trong việc bảo vệ ngưỡng 7 NDT/1 USD. Họ sẽ thực hiện điều đó bằng một số biện pháp, vừa thông qua can thiệp vào thị trường, vừa thông qua việc làm cho thanh khoản cạn kiệt. Họ có thể làm điều đó ở thị trường tiền tệ trong nước và ở thị trường Hong Kong”.
Ông Nordvig cho rằng thông điệp mà NDT đưa ra không giống với những nhận định tích cực về các cuộc đàm phán thương mại của các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, hay Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng hàng đầu Larry Kudlow.
“Có vẻ như họ thậm chí không được mời tới Trung Quốc. Nếu không có những cuộc đàm phán trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Osaka, thì cuộc gặp đó sẽ là 5 ăn 5 thua và vô cùng rủi ro”, ông Nordvig nói. Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 28-6-2019.
“Sẽ rất khác nếu ông Mnuchin đạt được một số tiến triển trong một số chương trong văn bản thỏa thuận trong vài tuần tới. Nếu điều đó không xảy ra thì chúng ta đã tiến gần tới bờ vực”, ông Nordvig nhận định, đồng thời đặt câu hỏi liệu các quan chức Trung Quốc có sẽ giữ giá NDT hay không.
Các chiến lược gia cho rằng sự suy yếu của NDT hiện nay chủ yếu là do đồng USD mạnh lên và nỗi lo về chiến tranh thương mại, điều đó đã khiến Trung Quốc cân nhắc đưa ra thêm các động thái về chính sách tiền tệ và tài khóa.
Ông Chandler cho rằng NDT sẽ sớm thách thức mức 7 NDT/USD: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ kiểm định điều này. Chúng ta sẽ kiểm tra quyết tâm của Trung Quốc. Sẽ là bước chuyển nếu CNY hoặc CNH tiến tới ngưỡng 7 đổi 1 USD. Nó sẽ gây hiệu ứng lan truyền trên thị trường. Sẽ lại là một nguồn gây bất ổn khác”.
Adam Cole, Trưởng bộ phận chiến lược giao dịch ngoại hối G-10 tại RBC, cho biết có những báo cáo trích dẫn lời một số quan chức Trung Quốc giấu tên nói rằng PBOC sẽ không để NDT rớt quá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, rằng điều đó sẽ không sớm diễn ra. Tuy nhiên, ông Cole cho rằng NDT có thể vượt qua mốc đó trong tương lai.
“Về lâu dài, khi USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, tôi nghĩ cái ngưỡng đó không còn mang tính ràng buộc nữa”, ông Cole bình luận. Ông nhận định đà tăng của USD có liên quan tới quan điểm chính sách tiền tệ, tính chu kỳ và việc nền kinh tế Mỹ có vẻ mạnh hơn phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc đã và đang giảm bớt việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, và một số chuyên gia xem điều này là một lời cảnh báo tới Mỹ. Tuy nhiên, ông Cole nói ông không tin Trung Quốc, nước đang nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất, sẽ bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ.
“Đó là mối quan tâm trong thời điểm này. Giống như nhiều người, chúng tôi cho rằng nguy cơ Trung Quốc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ là điều khó mà xảy ra. Điều đó chẳng khác nào làm một việc để hại người nhưng hóa ra chỉ hại mình mà thôi, xét về mức độ mà Trung Quốc sẽ bị thiệt hại”, ông Cole kết luận.