Số liệu cập nhật mới nhất do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố cho thấy, tính đến hết tháng 10 vừa qua, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua đạt 1.922 tỉ đồng, bằng 38,44% kế hoạch.
Đáng chú ý, kết quả này được VAMC thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 (giai đoạn Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh).
Tuy nhiên, từ tháng 6-2021 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này.
Thông thường, tổ chức tín dụng sẽ ưu tiên thực hiện bán nợ theo phương thức đấu giá, nếu không đấu giá thành mới xem xét bán nợ cho VAMC theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, do phải thực hiện giãn cách xã hội, quá trình triển khai các bước trong quy trình đấu giá trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn.
Cá biệt có một số tổ chức đấu giá thực hiện niêm yết, thông báo đấu giá, tổ chức trả giá, tổ chức công bố giá…chưa đúng quy định của Luật Đấu giá (Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp đã phải có văn bản chấn chỉnh hoạt động này) dẫn đến các tổ chức tín dụng không thực hiện được việc bán đấu giá khoản nợ, qua đó không triển khai bán nợ xấu theo phương thức thỏa thuận cho VAMC.
Thực tế, có những khoản nợ VAMC đã tiếp xúc, đàm phán với tổ chức tín dụng từ trước tháng 6-2021 và dự kiến sẽ mua nợ theo giá trị thị trường trong quý 3 và 4-2021. Tuy nhiên, đến nay VAMC vẫn chưa thể mua nợ thành công do các tổ chức tín dụng chưa thực hiện được các thủ tục đấu giá khoản nợ.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đến thời điểm hiện tại chưa đạt kế hoạch đề ra.
Thứ hai, do đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng nên hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị thu hẹp dẫn đến suy giảm doanh thu, lợi nhuận.
Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sụt giảm nguồn thu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng mà trong thời gian trước đây VAMC áp dụng phương án xử lý nợ bằng hình thức cơ cấu nợ, đôn đốc thu hồi nợ.
Việc thu hồi tiền từ việc đấu giá tài sản, bán khoản nợ cũng bị kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, thậm chí có một số đối tác đã đặt vấn đề, tìm hiểu mua khoản nợ, tài sản của VAMC cũng đã tạm dừng triển khai kế hoạch mua khoản nợ, tài sản.
Tính đến 30-9 tới nay, VAMC xử lý được 18.358 tỉ đồng, bằng 61% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết: “Do tình hình khó khăn, nợ xấu hiện tăng tốc độ khá nhanh, tỉ lệ nợ xấu nội bảng lên đến 2%, nợ xấu tiềm ẩn có thể lên tới 8%... các ngân hàng đang phải đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tái cơ cấu”.
Đối với các công ty tài chính, 9 tháng đầu năm nay tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỉ, gần như ngang bằng so với cuối năm 2020; tỉ lệ nợ xấu bình quân là 9-10%. Trong khi đó, tỉ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 khoảng 6% và tỉ lệ này dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.