Khó phát hiện triệu chứng ở trẻ nhỏ
Các bệnh đường hô hấp thường gặp là viêm mũi họng, viêm họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Trẻ dễ mắc bệnh là do các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, sức đề kháng của trẻ yếu, nhất là những trẻ sinh ra nhẹ cân, suy dinh dưỡng, không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu… Ngoài ra, nhiều phụ huynh bận rộn, việc chăm sóc, giữ ấm cho trẻ có phần lơ là; trẻ hít phải bụi bẩn, khói thuốc lá... cũng dễ mắc bệnh.
Theo BS Trần Đắc Nguyên Anh, một số trường hợp bệnh tăng nặng do không có điều kiện đi khám, phụ huynh tự mua thuốc cho trẻ uống. Một số trẻ bị viêm phổi rất nặng, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Ở trẻ nhỏ, khó nhận biết triệu chứng bệnh so với trẻ lớn. Ví dụ, biểu hiện bệnh ở trẻ lớn khi viêm phổi thường là ho nhiều, sốt cao, nhưng với trẻ nhỏ, một số trường hợp chỉ hâm hấp sốt, bú kém, thở nhanh, thậm chí một số trẻ không ho, không sốt mà lại còn hạ thân nhiệt.
Mùa mưa, phụ huynh cần chú ý phòng bệnh hô hấp cho trẻ em. Ảnh internet
Triệu chứng bệnh hô hấp ở trẻ thường gặp nhất là sốt, ho, mũi khô, khò khè, khó thở, thở nhanh, cánh mũi phập phồng. Nếu thấy trẻ không có biểu hiện trên nhưng bú ít, ngủ li bì… phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Bởi, nếu trẻ bị viêm phổi, không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh và dễ gây tử vong.
Cẩn thận với bệnh viêm tiểu phế quản
Tại TP.HCM, viêm tiểu phế quản thường gặp nhiều vào mùa mưa. Lúc đầu, trẻ chảy mũi trong và hắt hơi. Những triệu chứng này kéo dài vài ngày, có thể đi kèm với biếng ăn và sốt nhẹ, ít khi sốt cao. Sau đó trẻ ho, khò khè, khó thở. Trẻ bắt đầu bú khó vì việc thở nhanh cản trở việc mút và nuốt. Trong những trường hợp nhẹ, triệu chứng biến mất trong vòng từ một-ba ngày. Với những trường hợp nặng, diễn tiến nhanh hơn và bệnh kéo dài.
BS Trần Đắc Nguyên Anh cho biết, biến chứng nặng thường gặp ở trẻ từ hai-ba tháng tuổi là suy hô hấp. Riêng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng, thở không đều và có cơn ngưng thở là dấu hiệu thường gặp của suy hô hấp. Ngưng thở có thể là nguyên nhân gây đột tử ở nhũ nhi. Tùy trường hợp, trẻ cần phải thở oxy, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh thân nhiệt, bù dịch, dinh dưỡng hợp lý và giảm tắc nghẽn bằng vật lý trị liệu hô hấp.
Để phòng ngừa bệnh hô hấp nói chung, cần cho trẻ bú mẹ từ lúc mới sinh đến hai tuổi để tạo hệ miễn dịch tự nhiên. Trong thời gian cho con bú, người mẹ cần chú trọng đến những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, bữa ăn của trẻ cần đầy đủ bốn nhóm: tinh bột, đạm, rau, dầu thực vật. Thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Theo Thanh Hoa (PNO)