Mùa Vu Lan tham quan chùa cổ 400 tuổi, nơi có thờ tướng Giáp

(PLO) - Chùa Bửu Phong tọa lạc trên đỉnh núi Bửu Long (sách xưa còn ghi tên núi là núi Bửu Phong hay núi Bình Điện) thuộc khu phố 5 (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) sau lưng Văn Miếu Trấn Biên. Chùa Bửu Phong là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng không chỉ của tỉnh Đồng Nai mà của cả miền Nam. Vì đây là một trong ba ngôi chùa có niên đại và kiến trúc được xây dựng sớm nhất ở Nam Bộ và lịch sử hình thành ngôi chùa này gắn liền với công cuộc mang gươm xuôi thuyền về phương Nam mở cõi của ông cha

Bửu Phong cổ tự vinh dự được xếp hạng là di tích lịch sử kiến thúc nghệ thuật cấp quốc gia (1990) và di tích lịch sử Văn hóa - Danh thắng quốc gia (2013)

Đường lên chùa phải bước lên 20 bậc thềm đá rêu phong cổ kính, hai bên có hai con rồng chế tạc bằng đá. 

Theo cuốn “Lịch sử Bửu Phong cổ tự” (Bảo tàng Đồng Nai) thì sơ khai chỉ là một cái am tranh vách lá do Hòa thượng Bửu Phong dựng vào năm 1616. Sau năm 1679, một số người Hoa di dân đóng góp cất lại bằng gạch ngói và thỉnh thiền sư Thành Chí đến trụ trì và tôn là tổ khai sơn. Những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ ngôi chùa là nơi ẩn trú an toàn của lực lượng cách mạng thị xã Biên Hòa. 

Cổng tam quan của chùa có ghi rõ con số 1616 để đánh dấu năm thành lập chùa. Hằng năm, ngày 12 tháng 8 (âm lịch) là ngày giỗ Tổ khai sơn. 

Mặt tiền chùa được trang trí các bức phù điêu chạm trổ ghép những miếng sành, sứ, gốm, đá được đắp nổi rất công phu, tinh xảo. Các họa tiết hoa văn được cách điệu theo nhóm tứ linh (long, lân, qui, phụng) và tứ quý (mai, lan, cúc, trúc). Tất cả để biểu thị cầu mong sự an nhàn, thịnh vượng, may mắn của người dân Việt xưa. 

Chùa nằm trên núi cao, có nhiều cây cối cổ thụ xanh mát. Không gian quần thể chùa và núi rộng gần 10ha, khí hậu mát mẻ rất phù hợp cho du khách lên để tịnh tâm và an dưỡng. 

Nằm trên một đỉnh núi cheo leo, bao quanh là rừng cây xanh mát là mộ tháp của vị tổ sư, người có công khai sơn phá thạch ra ngôi chùa. 

Dưới chân núi là 3 ngôi mộ tháp của các chư vị tổ sư đời sau. 

Sừng sững trên núi có 1 khối đá khổng lồ, nằm chồng lên một khối đá nhỏ nhưng bằng phẳng. Nhìn từ xa khối đá như đầu con rồng đang há miệng. Dân gian đặt tên hai tảng đá này là Hàm Rồng. Tương truyền người Chân Lạp có đến đây lập một am miếu và tôn thờ đá Hàm Rồng là thần Sơn Thạch. Hiện ngôi miếu vẫn còn.

Cách đó không xa cũng có hai khối đá lớn chồng lên nhau trông giống như đầu con Cọp đang há miệng nên dân gian đặt tên là Hàm Cọp. Hang đá Hàm Rồng, Hàm Cọp là hai địa danh vô cùng linh thiêng trên đỉnh núi Bửu Long. 

Nằm dưới triền dốc núi có một cái giếng cổ, người dân Bửu long gọi là “giếng Gia Long" và kể lại sự tích giếng do vua Gia Long đào lấy nước để nuôi quân. Ngày nay, giếng nước vẫn còn và nhà chùa vẫn sử dụng nguồn nước trong mát này. 

Trong khuôn viên chùa còn có rừng cây sứ cổ thụ nở hoa màu tím thơm ngào ngạt, tương truyền do một nhà sư Thái Lan mang cây giống qua trồng tại đây. 

Do chùa nằm gần làng đá Bửu Long nổi tiếng nên hầu như các pho tượng lộ thiên đều chế tác từ nguồn đá Bửu Long. Chùa có dựng một bức tượng vị La hán làm bằng chất liệu đá trắng rất quý. 

Đặc biệt trong chánh điện chùa có pho tượng Phật A Di Đà được tạc bằng gỗ mít từ thời Minh Mạng (1829) và các tượng chư vị Phật, Bồ tát bằng đá cũng có tuổi thọ hàng trăm năm. 

Hàng cột gỗ lim và những tấm liễng, câu đối viết bằng chữ Hán vẫn được gìn giữ nguyên vẹn suốt trăm năm qua. 

Bên phải chánh điện chùa còn có một bàn thờ trang trọng thờ di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập từ năm 2013. 

Theo lời sư trụ trì ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương thì sau khi tham dự lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng trường tỉnh Đồng Nai. Để tỏ lòng thành kính, tiếc thương và biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến to lớn của một vị tướng anh hùng dân tộc, sư trụ trì quyết định rước di ảnh về đặt thờ tại chánh điện.

Tổng thể bàn thờ thì phía trên thờ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, dưới là tượng bán thân chủ tịch Hồ Chí Minh và cuối cùng di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chùa Bửu Phong là nơi duy nhất và đầu tiên ở Đồng Nai có lập bàn thờ tướng Giáp. Và cũng là cơ sở tôn giáo thứ hai ở miền Nam có lập bàn thờ tướng Giáp (chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) cũng có bàn thờ Đại tướng). 

Gần đến ngày rằm Vu Lan, du khách phương xa đến viếng và vãn cảnh ngôi chùa 400 tuổi rất nhiều. 

Bà Nguyễn Thị Tư (86 tuổi), người bán nhang gần 56 năm trên ngôi chùa núi này. Bà Tư trở thành một “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho du khách vì hơn nữa thế kỷ ngồi bán nhang dưới triền núi nên bà Tư chứng kiến và hiểu rõ hơn ai hết những biến cố thăng trầm qua thời gian của ngôi chùa. 

Đứng trên điểm cao nhất của chùa Bửu Phong, du khách có thể hướng tầm mắt bao quát được toàn bộ khung cảnh khu du lịch Bửu Long có hồ Long Ấn, núi Long Sơn. Một cảnh sắc đầy đủ có mây, nước, núi, rừng hết sức hữu tình và nên thơ mà hiếm có nơi nào có được.
Bài, ảnh: TRƯỜNG TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm