Còn nhớ trước đây, có vị cục trưởng của một bộ cho biết mỗi năm ông nhận được 4.000 giấy mời họp. Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trước đây có lần than bộ ông có bốn thứ trưởng mà bố trí đi họp không đủ!... Có vị thường vụ một tỉnh một ngày nhận 20 giấy mời họp... Nhưng có thể nói chín tháng đầu năm 2017 mà Sở TN&MT TP.HCM đã họp có đến hơn 3.000 hay như Sở KH&ĐT bảy tháng có đến gần 2.000 cuộc họp… thì quả là khủng khiếp. Đó không còn là chuyện bình thường.
Họp là hoạt động phải có trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền nhưng họp vây bủa như trên thì phải xem lại.
Trên thực tế có rất nhiều cuộc họp thực chất người tham dự chỉ tham dự cho có chứ bản thân họ không giải quyết được vấn đề. Bản thân tôi khi phụ trách văn phòng của một sở cũng nhiều lần phải đi họp thay cho lãnh đạo mà chủ yếu là đến cho đủ thành phần chứ không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vì vậy khi chủ trì có hỏi thì cũng chỉ là “cơ bản nhất trí”, còn cái “không cơ bản nhất trí” là gì thì chịu. Thế nhưng nếu không dự họp thì hôm sau sở của mình sẽ được điểm danh là vắng họp và bị “ghi sổ”.
Nguyên nhân của tình trạng họp bủa vây thì có nhiều, song nguyên nhân chính vẫn là bộ máy quá cồng kềnh, quá nhiều cơ quan, đơn vị và ai cũng thấy mình quan trọng. Vì vậy mới có chuyện cơ quan, đơn vị nào khi tổ chức họp cũng muốn có lãnh đạo đến phát biểu để tăng thêm phần long trọng. Ai cũng mời như vậy thì cho dù lãnh đạo có ba đầu sáu tay cũng không thể dự hết.
Cũng có nguyên nhân là có lãnh đạo chưa dám mạnh dạn quyết và chịu trách nhiệm về một vấn đề nào đó nên tổ chức họp để lấy ý kiến tập thể nhằm đảm bảo an toàn. Nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay đầu mối công việc nhiều, chất lượng công chức hạn chế nên kéo theo chất lượng tham mưu cũng hạn chế. Để gỡ rối nhiều nơi chọn giải pháp… họp.
Mặt khác, một số nơi nguyên tắc tập trung dân chủ đã được hiểu một cách quá máy móc đến mức việc gì cũng phải đem ra bàn bạc và thống nhất. Nếu có một lãnh đạo nào đó dám quyết, dám chịu trách nhiệm thì lại bị dòm ngó và đánh giá là độc đoán, chuyên quyền, áp đặt, chủ quan, duy ý chí. Vì thế họp lấy ý kiến số đông cho lành.
Để giải quyết vấn nạn này nhiều ý kiến đã được nêu ra là cần triệt để đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức họp trực tuyến. Thế nhưng đó vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề, giải pháp về lâu dài và mang tính quyết định vẫn là đổi mới, sắp xếp, phân công hợp lý chức năng, nhiệm vụ các cơ quan trong hệ thống chính trị và tuyển dụng, thu hút được đội ngũ công chức thật sự có năng lực và trách nhiệm.
Mới đây, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm cũng cho biết sẽ tham mưu UBND TP thành lập ban chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy hành chính để tinh gọn bộ máy. Đáng lẽ chuyện này phải được TP.HCM làm từ lâu.
Tất nhiên, nếu làm tốt việc này cũng sẽ góp phần giảm đầu mối và giảm hội họp. Bởi việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống là điều cần thiết và phải làm theo hướng sáp nhập các cơ quan cùng chức năng, nhiệm vụ, một công việc chỉ giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính; triệt để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
Và trên hết mấu chốt vẫn là con người. Một vị lãnh đạo, một đơn vị được giao chủ trì không dám quyết và chịu trách nhiệm, luôn luôn dựa dẫm vào tập thể, vào số đông thì cho dù có bao nhiêu ban chỉ đạo đi chăng nữa cũng không thể nào mang lại một hiệu năng tích cực hơn. Chúng ta cần những lãnh đạo mạnh mẽ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hệ thống cơ quan hành chính, cùng những cán bộ có “năng suất” cao. Khi đó, cùng với việc tinh gọn bộ máy sẽ làm cho bộ máy hành chính vận hành suôn sẻ và hiệu lực, hiệu quả hơn. Họp, theo đó sẽ được kéo giảm!
ThS VŨ TRUNG KIÊN, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 2