Mỹ thử tên lửa hành trình bắn trúng mục tiêu cách 500km

Theo hãng tin RT, Lầu Năm Góc ngày 19-8 xác nhận quân đội Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500km. Được biết những vũ khí có tầm bắn như vậy bị cấm trong Hiệp ước kiểm soát vũ khí Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã rút khỏi tháng này.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19-8 cho biết vụ thử nghiệm “một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thông thường” được thực hiện hôm 18-8 tại một bãi thử ở đảo San Nicolas, bang California. Sau khi phóng đi thành công, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu cách hơn 500km.

Mỹ thử tên lửa tại bãi thử ở đảo San Nicolas, bang California ngày 18-8. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Những hình ảnh và video về vụ thử cho thấy tên lửa trong vụ thử là Tomahawk, một tên lửa hành trình của Mỹ thường được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm. Thông tin này đã được người phát ngôn Lầu Năm Góc -Trung tá Robert Carver xác nhận sau đó trong ngày 18-8.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh tên lửa này được thiết kế để mang đầu đạn thông thường chứ không phải đầu đạn hạt nhân.

Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng dữ liệu thu thập được và những bài học rút ra từ vụ thử sẽ cho biết khả năng phát triển tên lửa tầm trung trong tương lai của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo RT, việc sử dụng hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41 trong vụ thử là đặc biệt đáng chú ý, bởi đây là những bệ phóng được bố trí tại các vị trí phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania. Nga cho rằng sự tồn tại của những vị trí phòng thủ tên lửa này là mối đe dọa và vi phạm Hiệp ước INF bởi hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41 có thể phóng cả tên lửa Tomahawk lẫn tên lửa phòng thủ SM-3.

Những loại vũ khí có tầm hoạt động từ 500-5.000 km bị cấm trong Hiệp ước INF, một cơ chế kiểm soát vũ khí quan trọng được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm giúp giảm căng thẳng hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tháng 2, Mỹ thông báo rút khỏi INF, cáo buộc Nga sở hữu hệ thống tên lửa bị cấm trong INF. Moscow phủ nhận cáo buộc.

Ngày 1-8, Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận ký với Nga sau nhiều năm cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi triển khai tên lửa SSC-8 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đặt dấu chấm hết cho một hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt.

Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Ảnh: The Drive

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ không còn bị ràng buộc bởi INF và bắt đầu phát triển “hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất, di động, thông thường”.

 “Vì Mỹ đã rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng sẽ hoàn toàn theo đuổi việc phát triển những tên lửa thông thường phóng từ mặt đất này như là cách đáp trả khôn ngoan trước các hành động của Nga”, ông Esper nói.Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Mỹ không khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

“Ý nghĩa truyền thống của một cuộc chạy đua vũ trang là nằm ở phạm vi hạt nhân. Giờ đây, chúng tôi không có kế hoạch chế tạo những vũ khí có tầm hoạt động bị cấm trong INF và gắn đầu đạn hạt nhân. Là do người Nga đã phát triển vũ khí bị cấm và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân”, ông Esper nhấn mạnh.

Cũng theo tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc muốn triển khai các tên lửa tầm trung mới ở châu Á.  

Phát biểu tại Pháp trước khi tin tức về vụ thử tên lửa của Mỹ xuất hiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng là chính Mỹ chứ không phải Nga “đơn phương” rút khỏi INF.

Ông Putin cho hay Nga không có ý định triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tới những nơi mà Mỹ không có vũ khí tương tự.

 “Tôi đã nói về điều đó rồi và xin nói lại lần nữa tại đây, ở Pháp, rằng chúng tôi đang đơn phương thực hiện nghĩa vụ. Nếu Mỹ sản xuất những hệ thống tấn công như vậy, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, Tổng thống Putin nhấn mạnh tại một buổi họp báo trước cuộc gặp nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới