Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly đã dùng khái niệm “thời khắc Sputnik” của thời kỳ Chiến tranh Lạnh để cảnh báo về sự tụt hậu của Mỹ trong cuộc đua vũ khí vượt siêu âm, hãng tin Sputnik ngày 2-2 cho hay.
“Thời khắc Sputnik” là khái niệm của cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower về việc Liên Xô vượt qua Mỹ trở thành nước đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên (vệ tinh Sputnik) vào không gian.
Đề cập trong thông điệp “Vector” hằng tuần gửi đến toàn bộ lực lượng Hải quân Mỹ hôm 31-1, ông Modly nhận định “những đột phá công nghệ lớn như vũ khí vượt siêu âm có thể gây mất ổn định môi trường an ninh toàn cầu và gây ra nguy cơ hiện hữu” cho nước Mỹ.
"Thiết bị lướt" vượt siêu âm Avangard của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Ông Modly nhắc lại rằng sau “thời khắc Sputnik”, Mỹ đã tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các vũ khí tối tân. Con số này đạt đỉnh điểm ở mức 3,6% GDP vào năm 1965.
Kết quả là Washington đã chế tạo thành công ba thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ năm 1957 đến năm 1962 và chương trình hạt nhân “không ai sánh kịp” của Hải quân Mỹ.
Ông Modly cho biết Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm “thiết bị lướt” siêu vượt âm đầu tiên trong cuối năm nay. Đối với riêng lực lượng Hải quân Mỹ, ông đưa ra mệnh “tổng lực hướng về phía trước” để phát triển vũ khí vượt siêu âm.
"Thiết bị lướt" DF-17 được Trung Quốc công bố trong lễ kỷ niệm 70 ngày Quốc khánh của nước này hôm 1-10-2019. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hiện nay, Nga và Trung Quốc là hai nước đi đầu trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm.
Trung Quốc đã chính thức ra mắt “thiết bị lướt” vượt siêu âm DF-17 trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh của nước này hôm 1-10-2019.
Còn Nga là nước đầu tiên có vũ khí vượt siêu âm trực chiến. Đó là “thiết bị lướt” Avangard được biên chế vào Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga từ ngày 27-12-2019.
Ngoài ra, Moscow còn đang phát triển các vũ khí vượt siêu âm phóng từ trên không (tên lửa Kh-47M2 Kinzhal) và phóng từ đất liền hoặc từ trên biển (tên lửa 3M22 Zircon).