Năm 2018 sở Tư pháp TP.HCM đạt nhiều thành tích nổi bật

“Công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, biên chế bị cắt giảm nhưng tập thể công chức, viên chức ngành tư pháp TP đã đoàn kết, sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ” - ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2018 của Sở Tư pháp TP.HCM, chiều 18-1.

Khắc phục nhiều khó khăn, hạn chế

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, ngoài thành tích thì ngành tư pháp TP cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Nguyên nhân thì có cả khách quan và chủ quan nên cần nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019.

Năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở Tư pháp TP được thực hiện quyết liệt, nhất là trong tham mưu tư vấn cho chính quyền TP. Việc kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư pháp cũng được quan tâm hơn. Ngành tư pháp TP tiếp tục thực hiện chủ trương “Hướng về cơ sở”, tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong công tác tư pháp quận/huyện, phường/xã. Trong phạm vi thẩm quyền, Sở đã trả lời và hướng dẫn giải quyết hầu hết vướng mắc nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc và tư pháp địa phương.

Theo bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM), năm 2018 Sở Tư pháp đã góp ý, thẩm định 302 dự thảo văn bản các loại (tăng 4,5% so với năm 2017). Các ý kiến góp ý, thẩm định này đảm bảo đúng tiến độ, nhiều ý kiến được cơ quan lấy ý kiến tiếp thu.

Trong năm, Sở tiếp nhận 95.278 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Hiện Luật LLTP chưa có quy định cụ thể về thời gian cấp phiếu đối với hồ sơ có thông tin tiền án, tiền sự (sau đây gọi tắt là hồ sơ có tài liệu), chưa bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên xóa án tích theo BLHS 2015. Việc cấp phiếu còn phụ thuộc nhiều vào kết quả xác minh tại các cơ quan liên quan nên chưa thể đảm bảo thời gian khiến hồ sơ trễ hạn.

Sở đã tiếp nhận 173.343 hồ sơ các loại (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2017); giao kết quả 135.312 hồ sơ cho khách hàng, thu lệ phí hơn 15 tỉ đồng. Công tác tham mưu tư vấn cho UBND TP, các sở/ngành, quận/huyện được Sở Tư pháp thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, giúp hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND TP đạt hiệu quả, đặc biệt là công tác tư vấn liên quan đến các dự án đầu tư, sử dụng đất…

Sở đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật như xây dựng sách nói pháp luật, tủ sách pháp luật điện tử, cổng thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến pháp luật (tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho các cá nhân tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giám  đốc Sở Tư pháp tp.hcm Huỳnh Văn Hạnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ba cá nhân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Giữ vị thế dẫn đầu

“Tôi thật ấn tượng với thành tích công tác của ngành tư pháp của TP.HCM” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu nhấn mạnh. Theo đó, số lượng văn bản đầu ra, đầu vào mà Sở xử lý rất lớn (công văn đến một tháng hơn 2.000 văn bản, đầu ra hồ sơ hành chính hơn 10.000 hồ sơ). Theo bà Oanh, vị thế của ngành tư pháp được củng cố, nâng cao. Ngành tư pháp TP có nhiều điểm sáng, công trình thiết thực như sách nói cho người mù, cổng thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến pháp luật TP.HCM.

“Chúng ta đã đáp ứng cơ bản các nhu cầu hành chính tư pháp của người dân, không để xảy ra sai sót. Số lượng cấp phiếu LLTP cao với hơn 95.000 phiếu và phiếu đúng hạn 95%, đây là con số rất ấn tượng” - bà Oanh nói.

Cũng theo bà Oanh, công tác tư pháp của TP cũng cần có những cố gắng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của một TP năng động, đông dân. Sở Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong tham mưu với Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND TP về chính sách pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Cần giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, công chứng, quốc tịch.

Ngoài ra cần theo dõi, tham mưu cho UBND TP, Bộ Tư pháp giải quyết các tranh chấp liên quan đến quốc tế. Chú trọng cải cách hành chính trong công tác tư pháp, chú trọng áp dụng mạnh công nghệ thông tin...

Ông Huỳnh Văn Hạnh đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp và cho biết sẽ đưa vào chương trình công tác của đơn vị để thực hiện có hiệu quả.

Chín kiến nghị gửi Bộ Tư pháp

Theo báo cáo thì năm 2019, Sở Tư pháp TP.HCM có chín kiến nghị đối với Bộ Tư pháp.

1. Sớm xây dựng, triển khai phần mềm dùng chung về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc, hỗ trợ, phục vụ việc quản lý về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Quan tâm hướng dẫn kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, tố tụng hành chính…

3. Đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định biên chế làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp phù hợp với đặc thù của địa phương, nên quy định số lượng biên chế căn cứ vào số lượng công việc để Sở Tư pháp chủ động trình cơ quan có thẩm quyền kịp thời cấp biên chế, giải quyết yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng.

4. Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ công chức, nhân viên hợp đồng làm công tác LLTP.

5. Làm việc với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 244 ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính theo hướng cho phép Sở Tư pháp sử dụng phí cung cấp thông tin LLTP để thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động làm công tác trên.

6. Làm việc với cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin LLTP ở trung ương để có chỉ đạo trong ngành thực hiện Thông tư liên tịch số 04 ngày 10-5-2012 của liên Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

7. Ban hành cơ chế phối hợp xác minh giữa các cơ quan liên quan, trong đó xác định rõ thời gian xác minh của từng cơ quan và cách thức xử lý thông tin LLTP khi hết thời gian quy định mà không nhận được văn bản xác minh của các cơ quan liên quan.

8. Đề nghị Bộ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định về thời gian giải quyết hồ sơ cấp phiếu LLTP, trong đó có phân biệt thời gian giải quyết hồ sơ có tài liệu với hồ sơ không có tài liệu. Quy định cụ thể thành phần hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP cho cá nhân trong trường hợp đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của BLHS 2015 để đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ.

9. Đối với bảng tổng hợp trả lời kiến nghị của Bộ Tư pháp, đề nghị ban hành dưới hình thức công văn để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản.

Nhiều phần thưởng cao quý

Năm 2018, Sở Tư pháp TP.HCM vinh dự được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua vì là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành tư pháp cả nước.

Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, được nhận huân chương Lao động hạng Ba. Ba cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 11 người được nhận kỷ niệm chương của Bộ Tư pháp. 20 tập thể được UBND TP tặng danh hiệu Lao động xuất sắc. UBND TP tặng bằng khen cho 15 tập thể và 25 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm liên tục 2017-2018. Giám đốc Sở Tư pháp TP tặng giấy khen cho tám tập thể phòng tư pháp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm