Năm 2023: Nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật Việt Nam ra đi

(PLO)- Năm 2023, NS Vũ Linh, Diệp Lang, Thành Được... và nhiều "đại thụ" của các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật nối tiếp nhau ra đi đã để lại tiếc thương cho người ở lại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một năm mất mát của sân khấu, truyền hình

Đầu năm 2023, sân khấu, điện ảnh Việt Nam đã mất đi một cây đại thụ khi NSND Doãn Hoàng Giang qua đời ở tuổi 87 vào ngày 16-1.

doan-hoang-giang1.jpeg
NSND Doãn Hoàng Giang sinh năm 1938. Ảnh: Tư liệu

Không chỉ ghi dấu ấn với những vở kịch do mình đạo diễn như Nhân danh công lý, Hà Mi của tôi, Bài ca Điện Biên, vở chèo Nàng Si ta, vở cải lương Hoàng hậu Ba Tư, Nữ tướng Lê Chân.. Ông còn là thầy của nhiều nghệ sĩ, diễn viên như NSND Trung Anh, Thanh Hương…

nsnd-tran-tien-1584.jpg
Chưa đầy một tuần sau đó, khi cả nước còn đang nô nức đón xuân Quý Mão, thì sự ra đi của NSND Trần Tiến ở tuổi 86 vào chiều 22-1 (mùng 1 tết) khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Ngoài việc ghi dấu ấn qua các vở kịch như Quẫn, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Ông cũng tham gia một số bộ phim Thằng Bờm, Năm ngày làm Thượng đế, Chuyện làng Nhô, Hà Nội 12 ngày đêm, Những người săn lùng cái đẹp

Đặc biệt, ông còn là cha của ba nữ nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam là Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi.

Ngày 27-1, đạo diễn Ngọc Châu, đạo diễn của phim Bên kia sông qua đời tại TP.HCM, hưởng thọ 65 tuổi.

dao-dien-ngoc-chau.jpeg
Có một thời gian đạo diễn Phạm Ngọc Châu được xem như là "vua" phim trường khi ông thực hiện một loạt phim truyền hình đa dạng đề tài như Cấp cứu, Taxi, Cú đấm, Mẹ và con trai, Ám ảnh, Mắt bướm…

Ngày 20-2, nghệ sĩ Thiên Kim qua đời ở tuổi 90 sau thời gian chống chọi với bệnh tật.

ns-thien-kim.jpg
Nghệ sĩ Thiên Kim nổi tiếng trong lĩnh vực diễn xuất với hàng trăm bộ phim, từ chính diện đến phản diện, vai chính lẫn phụ. Bà đảm nhận nhiều dạng vai, nhưng quen thuộc nhất là vai người mẹ, người bà.

Đến 5-3, khán giả không khỏi bàng hoàng khi NSƯT Vũ Linh qua đời ở tuổi 66 sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Vũ Linh
NSƯT Vũ Linh được khán giả yêu mến cải lương gọi với danh xưng “ông hoàng cải lương tuồng cổ”.

Sự ra đi của nam nghệ sĩ là một tổn thất lớn đối với sân khấu cải lương tuồng cổ của Việt Nam.

Chỉ một tuần sau, khán giả yêu mến cải lương tiếp tục đón nhận tin buồn khi NSND Diệp Lang đã qua đời tại Mỹ ở tuổi 83 vì tuổi cao sức yếu cùng bệnh tim.

Diệp Lang
NSND Diệp Lang ghi dấu ấn với khán giả bằng những vai kép độc, kép tính cách, kép lão… Sau năm 1975, ông được nhiều nghệ sĩ và khán giả yêu mến gọi là cây đại thụ của sân khấu cải lương miền Nam.

Trong ngày 16-3, khán giả chứng kiến sự ra đi của hai nghệ sĩ là NSND Thụy Vân (84 tuổi) vì ung thư trực tràng và nghệ sĩ cải lương Tiến Dũng (65 tuổi) vì tiểu đường biến chứng.

thuy-van-tien-dung-7947.jpg
NSND Thụy Vân (trái) và nghệ sĩ cải lương Tiến Dũng

Nếu NSND Thụy Vân được nhớ đến qua các vai diễn trong dòng phim cách mạng trong đó nổi bật nhất là phim Nổi gió thì nghệ sĩ cải lương Tiến Dũng ghi dấu ấn qua các dạng vai như kép độc, kép lẳng, kép mùi… trên sân khấu cải lương.

nghe_si_hong_duc_1_6588_168250_6054_8697_1682512638.jpg
Ngày 26-4, NSƯT Hồng Đức diễn viên của phim Cảnh sát hình sự: Cổ cồn trắng qua đời ở tuổi 84 tại TP.HCM.
ns-la-kinh.jpg
Tháng 5, nghệ sĩ La Kính người đóng vai Mã Ngưu trong “Ông trùm Mã Ngưu” qua đời ở tuổi 72.

Ngày 1-7, đạo diễn Bùi Đình Hạc, cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam qua đời ở tuổi 90.

bui-dinh-hac-1264.jpg
Đạo diễn Bùi Đình Hạc

Ông là đạo diễn của những bộ phim tài liệu và phim truyện nổi tiếng của điện ảnh cách mạng như Nước về Bắc Hưng Hải, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Hà Nội 12 ngày đêm

tran-duc-tuan-8424.jpg
Ngày 2-7, Biên kịch Trần Đức Tuấn, người được xem là 'cha đẻ' của bộ phim 'Mê Kông ký sự' nổi tiếng đã qua đời ở tuổi 83 sau thời gian bị bệnh.

Ngày 19-7, Nhà giáo, NSND Trần Bảng qua đời ở tuổi 98 tại Hà Nội. NSND Trần Bảng là đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo hàng đầu Việt Nam.

tran-bang3.jpg
Cả một đời, NSND Trần Bảng dành tâm huyết cho sân khấu chèo, đóng góp đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo cổ, đưa chèo cổ sống lại trên sân khấu chèo hiện đại. Ngoài ra, ông còn dàn dựng, viết sách nghiên cứu cũng như kịch bản cho sân khấu chèo.
xuan-yen2.jpg
Ngày 29-7, nghệ sĩ Xuân Yến của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã qua đời ở tuổi 80.

Và chỉ chưa đầy 5 tháng sau (18-12) đoàn Minh Tơ tiếp tục nhận tin buồn khi nghệ sĩ Xuân Thu ra đi ở tuổi 67.

xuan-thu1-2-9925.jpg
Nghệ sĩ Xuân Thu

Ngày 14-8, đạo diễn Thế Ngữ qua đời ở tuổi 82.

the-ngu.jpg
Ông được khán giả nhắc đến nhiều khi là cha đẻ của các chương trình như Trong nhà ngoài phố, Chuyện đời thường, Táo quân... của HTV.

Đến 6-9, nghệ thuật sân khấu tiếp tục mất đi một soạn giả tài hoa, tác giả Lê Duy Hạnh. Ông mất ở tuổi 77 vì bệnh tuổi già.

le-duy-hanh.jpg
Tác giả tài năng của sân khấu cải lương Lê Duy Hạnh

Ông ghi danh với nhiều với loạt tác phẩm như Vua thánh triều Lê, Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Diễn kịch một mình, Dời đô, Độc thoại đêm - Lý Chiêu Hoàng, Mặt trời đêm thế kỷ, Nỏ thần, Hoàng hậu hai vua, Chiếc áo thiên nga, Trời Nam, Miền nhớ…

Chiều ngày 20-9, NSND Đào Trọng Khánh, bậc thầy phim tài liệu đã qua đời ở tuổi 84 sau thời gian chống chọi bệnh ung thư.

Đến ngày 5-10, đồng nghiệp, khán giả không khỏi bàng hoàng khi nghệ sĩ Bảo Anh qua đời đột ngột vì bệnh tật ở tuổi 69.

nghe-si-bao-anh-6548-8536.jpg
Nghệ sĩ Bảo Anh, "gã giang hồ" của sân khấu, phim truyền hình

Nghệ sĩ Bảo Anh không chỉ là một gương mặt đình đám của sân khấu ông còn là một trong những gương mặt sáng giá của phim truyền hình với hàng chục bộ phim ở những dạng vai có chiều sâu nội tâm, có tính cách hiền từ, có một cuộc đời bị xô đẩy…

tung-lam3.jpg
Ngày 15-10, "quái kiệt làng hài" Tùng Lâm qua đời ở tuổi 90.

Ngày 17-11, nghệ sĩ Thành Được đã giã biệt cõi tạm trong lúc ngủ tại Mỹ. Ông hưởng thọ 90 tuổi.

thanh-duoc.jpg
Nghệ sĩ Thành Được là gương mặt quen thuộc với khán giả cải lương thập niên 90. Ông được yêu mến nhờ có giọng ca tốt, sắc diện đẹp trai và được đặt biệt danh “Kép hát thượng thặng”.

Thành Được còn là chồng cũ nghệ sĩ Út Bạch Lan. Năm 1966, nghệ sĩ Thành Được đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai diễn tướng cướp Thi Đằng trong tuồng Tiếng hạc trong trăng.

Ngày 3-12, kép độc Thanh Phú qua đời ở tuổi 77.

nghe-si-van-huong-9012-2280.jpg
Ngày 8-12, vị danh hài vọng cổ đình đám của Việt Nam, Văn Hường đã qua đời ở tuổi 90.

Nghệ sĩ Văn Hường là người đầu tiên ca bản Tư ếch đi Sài Gòn của soạn giả Năm Châu. Sau này lối hát của ông được nhiều người học theo nhưng ông vẫn tạo cho mình cái đặc biệt không ai có.

Nhiều nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà văn hóa giã biệt cõi tạm

Giữa tháng 1, PGS.TS Đặng Anh Đào nhà nghiên cứu văn học, con gái cố Giáo sư Đặng Thai Mai đã qua đời ở tuổi 88.

giang-nam-7516.jpg
Và khi cả nước còn trong không khí đón xuân Quý Mão (23-1) thì nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ Quê hương gắn liền với nhiều thế hệ học sinh đã ra đi ở tuổi 94.
thai-thi-lien-8023.jpg
Ngày 31-1, PGS.TS Thái Thị Liên, mẹ của danh cầm Đặng Thái Sơn đã giã biệt cõi tạm ở tuổi 106 vì tuổi cao sức yếu.
huu-phuong-2736.jpg
Ngày 3-2, nhà văn Hữu Phương tác giả của tiểu thuyết Quay đầu lại là bờ, truyện ngắn Ba người trên sân ga được chuyển thể thành phim Đời cát qua đời tại quê nhà Quảng Bình sau nhiều năm bệnh nặng.

Ngày 10-2, họa sĩ Tôn Đức Lượng, người xuất thân từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dành cả một đời vẽ về thanh niên và cách mạng đã qua đời ở tuổi 98.

ton-duc-luong-7922.jpg
Họa sĩ Tôn Đức Lượng (1925-2023). Ảnh: Tư liệu

Ngày 11-3, Nhạc sĩ Lê Quốc Dũng tác giả ca khúc Gánh hàng rong đã ra đi ở tuổi 61 vì ung thư.

Đến 14-2, NSƯT Văn Vượng tức Văn Hữu Vượng đã rời cõi tạm ở tuổi 83. Ông là người đã viết 'Hà Nội trong mắt ai' có cả phần lời.

duongtuong.png
Ngày 25-2, nhà thơ dịch giả Dương Tường qua đời ở tuổi 92.

Đến 5-5, NSƯT Hồng Vy, giọng soprano hàng đầu TP.HCM đã qua đời ở tuổi 44 sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư.

lam-thi-my-da-7243.jpg
Vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường

Trong tháng 7, đôi vợ chồng tài hoa của nền văn học Việt Nam là Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi khi chưa đầy 1 tháng. Tác giả “Truyện cổ nước mình” qua đời ở tuổi 75 vào ngày 6-7. Chỉ 19 ngày sau đó (25-7), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ra đi ở tuổi 87.

nguyen-tran-thiet1.jpg
Ngày 20-7, nhà văn Trần Thiết, tác giả của Ông tướng tình báo và hai bà vợ đã qua đời ở tuổi 95.

Ngày 26-7, khán giả và đồng nghiệp không khỏi xót xa khi nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã về với mây trời ở tuổi 82.

ton-that-lap2.jpg
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người tài ba nhất trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe" với nhiều ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng...

Ngày 6-8, 'Quái kiệt' đàn nhị Trần Văn Xâm qua đời ở tuổi 40 vì ung thư.

Tran-van-xam-6570-1691374805.jpg
Trần Văn Xâm là người giữ lửa và giúp cho bộ môn nghệ thuật văn hoá dân gian tại Hà Nội ngày càng phát triển.

Anh cũng là người thầy đầy tâm huyết với việc đào tạo nghệ thuật truyền thống cho người trẻ.

vu-minh-hieu1.jpg
Ngày 7-8, nhạc công Vũ Minh Hiếu của đoàn cải lương Huỳnh Long ra đi ở tuổi 21 vì bệnh tim. Sự ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ của nam nhạc công đã khiến cho bạn bè, đồng nghiệp không khỏi xót xa.

Ngày 24-9, khán giả và bạn bè đồng nghiệp không khỏi tiếc thương khi nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời ở tuổi 73.

nhac-si-quoc-dung-3872-2870.jpg
Nhạc sĩ Quốc Dũng là ông xã của danh ca Bảo Yến,

Ông cũng là tác giả của loạt ca khúc tên tuổi và được khán giả nhớ đến như Bài ca Tết cho em, Chuyện ba người, Biển mộng, Thư tình không gửi, Cô láng giềng nho nhỏ...

y-vu.jpg
Sau thời gian chống chọi với ung thư, nhạc sĩ Y Vũ tác giả Tôi đưa em sang sông cũng đã ra đi ở tuổi 84 vào ngày 28-9.

Ngày 17-10, Giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh từ trần hưởng thọ 92 tuổi. Ông là một trong những nhạc sĩ đương thời thành công với cả hai loại hình thanh nhạc và khí nhạc.

ok-chu-minh-1697508208204-5909-1427.jpg
Trong sự nghiệp, nhạc sĩ Chu Minh ghi dấu ấn với hai tác phẩm đình đám Người là niềm tin tất thắng và Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! (thơ Hoàng Trung Thông)…

Ông thành công trên cả 3 vai trò: Sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Ông cũng là thầy dạy của nhiều nhạc sĩ như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Tôn Thất Lập, Ngọc Đại, Đức Trịnh, Đỗ Bảo, Minh Đạo...

thao-giang-6150.jpg
Ngày 24-10, nhạc sĩ Thao Giang, người hồi sinh xẩm ở Hà Nội, qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 76 tuổi.

Sinh thời, ông không chỉ là danh cầm mang cây đàn nhị của Việt Nam đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới, ông còn là thầy của nhiều nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có NSND Thế Dân.

Nhạc sĩ Thao Giang là tác giả của chùm tác phẩm nổi bật viết cho đàn nhị như Kể chuyện ngày mùa, Tình quê hương, Làng ven sông, Đan lưới, trong đó nổi tiếng nhất là Kể chuyện ngày mùa.

minh-chau-3665.jpg
Ngày 11-12, nhạc sĩ Minh Châu (trái) đã qua đời ở tuổi 80. Ông là cha của nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng là nhạc sĩ có trên 20 ca khúc thiếu nhi, tiêu biểu như Quả địa cầu, Bàn tay của mẹ, Em đi bên Hồ Gươm, Dàn đồng ca mùa hạ, Quả thị, Cơn mưa…

Trong đó bài Dàn đồng ca mùa hạ (phổ thơ Nguyễn Minh Nguyên) là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Tiền Phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, ban âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn năm 1999.

Vẫn còn nhiều cái tên của nghệ sĩ, những tài năng của nghệ thuật nước nhà ra đi trong năm 2023 chưa được nhắc đến nhưng có lẽ trong tâm trí của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả họ vẫn luôn được nhớ mãi.

Năm 2023 sắp đi qua, một năm nhiều khó khăn của kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nhau. Một năm đáng nhớ với nhiều biến động của sân khấu và nhiều tín hiệu vui của các loại hình nghệ thuật. Thế nhưng với những sự ra đi của các cây đại thụ ở mỗi lĩnh vực hẳn sẽ khiến nhiều người phải chạnh lòng và tiếc nuối.

Cảm ơn những cống hiến và và tri ân những người nghệ sĩ tài hoa của nền nghệ thuật nước nhà đã rời xa cõi tạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm