Năm 2024 Quốc hội sẽ giám sát chương trình phục hồi kinh tế

(PLO)- Trong các chuyên đề dự kiến giám sát có vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-4, tiếp tục phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH năm 2024.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: “Có văn bản dưới luật ban hành chậm hơn tám năm”. Ảnh: quochoi.vn

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: “Có văn bản dưới luật ban hành chậm hơn tám năm”. Ảnh: quochoi.vn

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho hay đã dự kiến, đề xuất bảy chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn QH, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ QH, từ đó lựa chọn năm chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định lựa chọn bốn chuyên đề.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia (dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 TP.HCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, các đại biểu chọn các chuyên đề phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ QH đã chọn các chuyên đề 1, 2, 3, 4.

Tại báo cáo đầy đủ, Tổng thư ký QH đã có giải trình đối với một số chuyên đề được nhiều cơ quan đề xuất giám sát nhưng chưa được lựa chọn. Đáng chú ý, có đề xuất liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tổ chức tín dụng.

Theo Tổng thư ký QH, tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), QH đã tiến hành chất vấn các nhóm vấn đề nêu trên đối với bộ trưởng Bộ Tài chính, thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn.

Mặt khác, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, tại kỳ họp thứ sáu sắp tới, QH sẽ tiến hành xem xét toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn, trong đó có nghị quyết tại kỳ họp thứ ba.

Đối với các đề xuất liên quan đến các tổ chức tín dụng, ông Bùi Văn Cường cho hay hiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm, thông qua tại kỳ họp thứ sáu. “Luật này sẽ được sửa đổi toàn diện với nhiều chính sách mới quan trọng” - Tổng thư ký QH nói.

Trong bốn chuyên đề trên, tại kỳ họp thứ năm (dự kiến khai mạc ngày 22-5), QH sẽ thảo luận, chọn hai chuyên đề để giám sát tối cao trong năm 2024, hai chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ QH giám sát.•

Có văn bản ban hành chậm hơn tám năm

Chiều 11-4, Ủy ban Thường vụ QH dành thời gian xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH.

Theo báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, còn nhiều văn bản quy định chi tiết ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Cụ thể, Luật Phòng, chống ma túy có hai nghị định, ba thông tư ban hành chậm từ chín đến 14 tháng; các nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh ban hành chậm từ năm tháng đến hơn ba năm; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng chậm từ một năm đến hơn ba năm. Có văn bản ban hành chậm hơn tám năm thuộc nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô.

Cạnh đó, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, pháp lệnh vẫn chưa được giải quyết, như Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 còn hai nội dung; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 còn hai nội dung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm