Nạn nhân van xin, các công an vẫn đánh chết

Ngày 27-3, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) tiếp tục phiên tòa xử năm sĩ quan công an dùng nhục hình, đánh chết người với việc xét hỏi bị cáo chính của vụ án và thẩm vấn các nhân chứng đều là cán bộ công an.

Đó là bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa), bị truy tố tội dùng nhục hình theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLHS, có mức án từ năm năm đến 12 năm tù, cao nhất trong số năm bị cáo. (Các bị cáo còn lại bị truy tố khoản 1, có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù.)

“Cầm gậy cao su đánh rất nhiều cái…”

Suốt buổi xét hỏi, bị cáo Thành đã phủ nhận mọi cáo buộc của cơ quan điều tra. Thành nói rằng mình không hề biết anh Ngô Thanh Kiều (nạn nhân bị đánh chết) là ai, có sai phạm gì hay không vì bị cáo không biết chuyên án đó, không có nhiệm vụ xét hỏi. Bị cáo Thành cũng khẳng định chưa bao giờ đánh anh Kiều.

Quay xuống dưới nhìn bốn bị cáo đồng nghiệp, Thành nói: “Tôi khẳng định lời khai của các bị cáo khác trong ngày hôm qua đều không đúng sự thật”. Thành khai: Sáng 13-5-2012, cả ba lần Thành vào phòng điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa đều thấy các cán bộ công an thay nhau đánh đập, tra tấn anh Kiều. Lần đầu tiên, bị cáo thấy Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) liên tục dùng chân đạp vào người anh Kiều trong khi một người khác dùng tay đập vào tay anh Kiều đang bị còng. Lần thứ hai, bị cáo thấy Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) thay phiên nhau liên tục đánh anh Kiều; riêng Quyền cầm gậy cao su quật liên tục vào người anh Kiều. Lần thứ ba, bị cáo thấy Nguyễn Tấn Quang tiếp tục dùng gậy cao su đánh rất nhiều cái vào người anh Kiều chứ không phải 4-5 cái như bị cáo này khai tại tòa.

 
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tố các cán bộ công an khác thay phiên nhau đánh anh Kiều. Ảnh: TẤN LỘC

“Khi anh Nguyễn Trần Nguyên Phúc phân công tôi vào canh giữ anh Kiều, tôi hỏi vài câu nhưng anh Kiều không nói. Tôi cầm gậy cao su để trên bàn định đánh anh Kiều thì anh này van xin: “Xin anh đừng đánh em. Sáng giờ em bị đánh bầm dập lắm rồi” nên tôi không đánh” - bị cáo Thành khai.

Cũng theo bị cáo Thành, anh Kiều bị còng hai tay quặt ra sau ghế gỗ, hai chân cũng bị còng, người ướt đẫm mồ hôi, ngồi gục xuống ghế, môi chảy máu. Sau khi nằm lăn lộn dưới nền nhà, anh Kiều được kéo lên để đưa đến Công an tỉnh Phú Yên và lúc này người đã “gục lên gục xuống”.

Dùng dùi cui đánh từ trên xuống

Đây là câu nói của bị cáo Nguyễn Minh Quyền và hầu hết nhân chứng là cán bộ công an tại phiên tòa hôm qua. Khi tòa yêu cầu đối chất với bị cáo Thành về thời gian ra vào phòng giữ anh Kiều, vị trí anh Kiều ngồi khi xét hỏi, bị cáo Quyền đính chính lời khai ngày hôm qua: “Hôm qua tôi khai nhầm, hôm nay tôi khai mới đúng!”.

Hầu hết nhân chứng là cán bộ công an đều cho rằng trong giờ ăn cơm tại sảnh trụ sở Công an TP Tuy Hòa, khi bị cáo Thành đang canh giữ anh Kiều, có nghe tiếng anh Kiều kêu la. Tuy nhiên, những lời khai này lại mâu thuẫn với lời khai trong giai đoạn điều tra.

Nhân chứng Hà Văn Đại khẳng định tận mắt nhìn thấy bị cáo Thành dùng dùi cui giơ cao, đánh anh Kiều 2-3 cái từ trên xuống, có nghe tiếng kêu la rất lớn của anh Kiều. Luật sư của bị cáo Thành hỏi: “Tại sao trước đây anh khai không nhìn thấy ai đánh anh Kiều, bây giờ anh lại khai thấy Thành đánh?”. Ông Đại trả lời: “Những lời khai trước đây do nôn nóng, bất ngờ. Nay tôi nhớ lại nên khai mới chính xác!”.

Nhân chứng khai bất nhất

Cả HĐXX và đại diện VKS đều cho rằng chi tiết thời gian ông Trần Khải Hoàn, cán bộ Công an TP Tuy Hòa, vào phòng điều tra tổng hợp trong lời khai của nhân chứng Hoàn khác với lời khai trong giai đoạn điều tra. Ông Hoàn giải thích: “Trước đây khai với VKSND Tối cao không chính xác”.

Hay nhân chứng Võ Công Phi, cán bộ Công an TP Tuy Hòa, cũng thay đổi lời khai so với ban đầu. Sau khi vụ việc xảy ra, khi làm việc với Thanh tra Công an tỉnh, ông Phi khai trong giờ ăn cơm không nghe tiếng kêu la trong phòng. Trong giai đoạn điều tra, ông Phi lại khai có nghe nhiều tiếng kêu la. Nhưng tại phiên tòa, ông Phi khẳng định chỉ nghe một tiếng la. 

Tòa cũng cho rằng lời khai của nhân chứng Lê Văn Nhì (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) về thời gian bị cáo Quyền ra khỏi phòng điều tra tổng hợp và tiếng la của anh Kiều tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai trước đây với cơ quan điều tra. Ông Nhì giải thích: “Do vụ việc xảy ra lâu quá nên không nhớ!”.

Tại phiên tòa, nhân chứng Phi khẳng định lại là đã nhìn thấy ông Lê Hải Phú, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về trật tự Công an TP Tuy Hòa, có mặt trong phòng làm việc với anh Kiều. Bị cáo Quang cũng tố đã nhìn thấy ông Phú đá nhiều cái vào người anh Kiều.

TẤN LỘC

 

Tòa không cho luật sư của bị hại phát biểu

Cuối giờ làm việc sáng qua, luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại, tiếp tục đề nghị tòa ra quyết định dẫn giải ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa, đến tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Song chủ tọa phiên tòa Lý Thơ Hiền nói: “Đã hết giờ làm việc. Để chiều ý kiến”.

Buổi chiều, luật sư Đôn tiếp tục nhắc lại đề nghị này. “Lời khai của các bị cáo, nhân chứng có sự thay đổi và mâu thuẫn nhau. Do đó tôi tiếp tục đề nghị tòa ra quyết định dẫn giải ông Lê Đức Hoàn đến tòa để đối chất vì ông Hoàn là người trực tiếp phân công cán bộ, chỉ đạo việc bắt giữ trái phép, xét hỏi anh Kiều” - luật sư Đôn nói. Tuy nhiên, chủ tọa Lý Thơ Hiền lại không cho luật sư tiếp tục phát biểu với lý do phiên tòa đang xét hỏi nhân chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm