Về cuộc đời của Park Geun-hye, cho tới nay, vẫn còn rất nhiều điều thú vị để bàn tán. Một thời, cách đây nửa thế kỷ, dân chúng gọi cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh bằng biệt danh “công chúa Geun Hye”, hoặc “nàng Bạch Tuyết”. Cô luôn xuất hiện trước công chúng với nụ cười rạng rỡ, thân thiện.
Nhà Xanh.
Những thước phim đời
Xin mời bạn đọc lướt qua chuỗi hình ảnh đánh dấu cuộc đời và cá tính của “nàng Bạch Tuyết” trước ngày đăng quang để trở thành “Bà đầm thép” - chính Park Geun-hye trong một cuộc mít tinh ở thủ đô Seoul đã tự nhận là học trò của cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (được gọi là “Iron Lady”) và gọi đường lối của mình là “chủ nghĩa Thatcher của Hàn Quốc”.
Park Geun-hye (âm Hán Việt là Phác Cận Huệ) lúc còn là học sinh (hình). Park Geun-hye sinh ngày 2-2-1952 tại Daegu, năm lên chín tuổi thì cha bà, Park Chung-hee (Phác Chính Hy), trở thành tổng thống Hàn Quốc sau một cuộc đảo chính quân sự. Park Geun-hye vào sống ở Nhà Xanh cho đến khi vào đại học.
Thời trẻ, Park Geun-hye là người đam mê bóng bàn, chơi đàn guitar (hình). Park Geun-hye theo học Đại học Sogang tại Seoul vào năm 1970, chuyên ngành công nghệ điện tử, một thành tích đáng nể đối với một cô gái Hàn Quốc ở thời điểm đó.
Khi bước vào sân khấu quyền lực, trở thành nghị sĩ, bà Park Geun-hye không quên đi ủy lạo các đơn vị quân đội (hình).
Năm nay, bà Park Geun-hye 60 tuổi, độc thân, không con cái. “Tôi không có gia đình để chăm sóc. Tôi không có con cái để kế thừa tài sản của tôi. Người dân là gia đình duy nhất của tôi mà tôi muốn mang lại hạnh phúc” - bà Park nói. Khi nhận được kết quả thắng cử vào Nhà Xanh, bà Park Geun-hye xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn, với khuôn mặt vui tươi, giản dị (hình).
Biểu tượng của sự thẳng thắn
Bà Park Geun-hye đã sống lặng lẽ trong suốt 18 năm sau khi cha bà bị ám sát (năm 1979), chuyên tâm đi làm từ thiện tại những vùng hẻo lánh cho đến khi đất nước bị chấn động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. “Nàng Bạch Tuyết” quyết định nhảy vào chính trường. Dân chúng đặc biệt ấn tượng khi một chính khách như bà sẵn sàng dành những cái ôm nồng hậu cho cả những người bán rau ngoài chợ.
Để giải thích vì sao “công chúa Bạch Tuyết” gặt được thành công rực rỡ trên chính trường xứ sở kim chi vốn là sân chơi tuyệt đối của nam giới bấy lâu, có ý kiến cho rằng Park Geun-hye thuộc về một gia đình nổi tiếng, được bao trùm bởi hình bóng người cha Park Chung-hee. Nhưng nói vậy mà không hẳn vậy, thậm chí lằn ranh giữa “nổi tiếng” và “tai tiếng” có khi rất mỏng, “lợi bất cập hại”. Trong thời gian chấp chính, ông Park Chung-hee đã tự tiện sửa đổi hiến pháp với mưu toan ngồi ghế tổng thống suốt đời, sử dụng những biện pháp độc đoán, mạnh tay áp dụng cực hình đối với những ai chống đối, ra lệnh cấm nhạc rock, cấm thanh niên để tóc dài, cấm thiếu nữ mặc váy ngắn…
Chính bà Park đã lên tiếng thừa nhận những sai lầm trong quá khứ. Đối với không ít chính khách mưu mẹo, việc lên tiếng của bà Park là điều tối kỵ và họ thường lấp liếm hoặc biện minh. Nhưng bà Park đã thẳng thắn thừa nhận nỗi đau do cha mình gây ra: Vào năm 2007, lần đầu tiên bà Park công khai bày tỏ sự hối tiếc với gia đình các nạn nhân: “Tôi luôn có cảm giác tội lỗi với những người phải chịu đựng sự thống khổ trong thời gian cha tôi tại vị. Tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc và chân thành đến họ”.
Sự thẳng thắn và quyết tâm bảo vệ công lý nơi bà Park đã thu phục được thiện cảm của nhiều cử tri.
“Kỳ tích sông Hàn” do đâu?
Kinh tế của Hàn Quốc có được nhiều thành công vang dội tới mức được gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Một người dân bình phẩm: “Nếu không có ông Park Chung-hee, đất nước Nam Hàn sẽ… giống Bắc Hàn rồi”, hàm nghĩa là đất nước lẹt đẹt, dân tình túng đói. Dường như sự độc đoán của tướng Park Chung-hee đã đem lại lá phiếu bầu cho bà Park như một cách ghi nhớ công trạng của thân phụ bà? Giữa câu bình phẩm này với lời xin lỗi của bà Park về người cha quá cố, thoạt nghe, có vẻ nghịch lý.
Thực ra, trong những thập niên nằm dưới sự cai trị của giới tướng lĩnh, ở Hàn Quốc người dân vẫn được quyền ăn nói, quyền ứng cử, bầu cử dù chưa hoàn hảo như mong muốn. Park Chung-hee đã có công gầy dựng những nền tảng phát triển trong hơn 10 năm, khi ông còn giữ đúng luật lệ hợp hiến, hợp pháp (trước khi ông say mê quyền lực quá lố, thọc tay vào sửa luật để nắm quyền vĩnh viễn trong chín năm cuối đời). Khi ám sát tướng Park vào ngày 26-10-1979, người hạ thủ là Kim Jae-kyu đã nói: “Tôi làm điểu đó vì quê hương”.
Kể từ lúc tướng Park Chung-hee qua đời cho đến nay đã hơn 30 năm dài trôi qua và đất nước Hàn Quốc đã sải những bước dài thần kỳ. GDP đầu người là 100 USD/năm vào năm 1963 (khi Park Chung-hee trở thành tổng thống) đã vọt lên 10.000 USD/năm vào năm 1995 (dưới thời Tổng thống dân sự Kim Young-sam, sau 30 năm giới quân sự nắm quyền từ Park Chung-hee tới Chung Doo-hwan, Roh Tae-woo), tăng gấp 100 lần! Theo dự báo của Knight Frank và Citi Private Bank thì GDP đầu người ở Hàn Quốc vào năm 2050 sẽ vọt lên trên 100.000 USD/năm, dựa theo cơ cấu kinh tế và môi trường luật pháp tôn trọng quyền lợi dân chúng. Dĩ nhiên ước đoán này sẽ tiêu tan nếu… nổ ra hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc hiện nay lo ngay ngáy vấn đề vũ khí hạt nhân trên bán đảo chưa thực sự “hạ nhiệt”. Bà Park Geun-hye đã xoa dịu nỗi lo của dân chúng khi tuyên bố đường lối của mình là “chủ nghĩa Thatcher của Hàn Quốc”, cách nào đó còn là rút kinh nghiệm một phần từ bài học kiên quyết của cha bà xét ở khía cạnh này. Bà chia sẻ với đường lối của Tổng thống tiền nhiệm Lee Myung-bak đồng thời là người cùng Đảng Saenuri (theo hiến pháp Hàn Quốc, nhiệm kỳ của Tổng thống là năm năm và chỉ được làm một nhiệm kỳ, không được tái cử). Nhưng vì là phụ nữ, bà Park Geun-hye ưa thích sự mềm mỏng hơn trong khi vẫn bảo đảm nguyên tắc.
Park Geun-hye tâm sự: “Người dân là gia đình của tôi” và cam kết “xây dựng một đất nước không ai bị bỏ rơi”. Ai mà không mềm lòng trước những lời lẽ như vậy? Năm năm, 2013-2018, là thời gian để “công chúa Bạch Tuyết” biến sự cam kết bảo vệ công lý trở thành hiện thực.
VIỆT THƯ