Nâng hạng giáo viên: 'Tỏa sáng bằng năng lực chứ không phải là bằng cấp'

(PLO)-  Nhiều thầy cô, những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đánh giá rất cao và hoàn toàn ủng hộ về việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ nội dung yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo về sửa đổi, bổ sung các thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (thông tư 01-04) của Bộ GD&ĐT có nội dung không yêu cầu giáo viên (GV) tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ, đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số các thầy cô giáo, những người đang công tác, làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Giáo viên tỏa sáng bằng năng lực

Thầy Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ với Báo Pháp luật TP.HCM rằng, trong quá trình làm việc, nếu GV đạt được những thành tích và được trao tặng bằng khen thì Bộ GD&ĐT cũng nên tạo điều kiện để những GV này thăng hạng.

Vì vậy, việc bỏ yêu cầu GV tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ theo thầy Cường là hoàn toàn hợp lý.

“Có những GV được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay Chủ UBND cấp tỉnh, thành phố ký, trao tặng bằng khen. Điều đó chứng minh, họ có thành tích rất xuất sắc, có sự cống hiến lớn cho ngành. Tất nhiên số lượng GV được như vậy không nhiều.

Cá nhân tôi cho rằng, những trường hợp này nếu có thể thì nên xem xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để được điều chỉnh mức lương tương xứng, kịp thời động viên, khích lệ vì những đóng góp, cống hiến của họ”- thầy Cường nói.

Hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cũng cho rằng, mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

Đối với giáo dục trung học cơ sở là nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định GV tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết.

“Đặc biệt, trước đây quy định GV tiểu học chỉ cần trình độ trung cấp, cao đẳng, nhưng hiện đã nâng chuẩn lên đại học đã là cao, nhiều người không có điều kiện, thời gian để đi học thêm vì suốt ngày lo cho công việc giảng dạy.

Ngoài bằng thạc sĩ, GV hạng I còn có nhiều quy định cứng khác đi kèm, do đó việc bỏ quy định phải có bằng thạc sĩ như dự thảo nêu sẽ tạo điều kiện cho GV rất nhiều.

Tôi cho rằng, thay vì yêu cầu phải có bằng thạc sĩ, có thể dựa vào tiêu chí như: Là GV cốt cán tham gia nhiều chuyên đề lớn của quận trở lên; có các loại bằng khen chứng minh cho những đóng góp, cống hiến… thì hoàn toàn có thể xem xét thăng hạng cho GV đó”- bà Hằng nói.

Việc không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ nêu trong dự thảo của Bộ GD&ĐT đã được sự tán thành của nhiều thầy cô. Ảnh PHI HÙNG

Việc không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ nêu trong dự thảo của Bộ GD&ĐT đã được sự tán thành của nhiều thầy cô. Ảnh PHI HÙNG

Còn theo ông Nguyễn Hải Thập, nguyên Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ Quản lý (Bộ GD&ĐT) trình độ thạc sĩ, tiến sĩ dành cho những người làm khoa học, còn đối với GV những bằng cấp trên chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là sự tích lũy kinh nghiệm về kỹ năng, năng lực và các phương pháp giảng dạy cho học sinh.

“Đối với GV hạng I, nếu như có bằng thạc sĩ, tiến sĩ có thể được ưu tiên. Nhưng phải đưa vào một số tiêu chuẩn cao hơn, mang tính chất điển hình, ví dụ: Là tấm gương, có thành tích, đủ những tiêu chí về năng lực được tập thể nhà trường suy tôn…

Thực chất, bằng thạc sĩ, tiến sĩ chỉ đi sâu vào một chuyên đề nào đó. Trong khi GV tiểu học, trung học cơ sở lại rất cần kiến thức nền tảng rộng, họ tỏa sáng bằng năng lực chứ không phải là bằng cấp”- ông Thập nói thêm.

Vẫn bảo đảm quyền lợi cho giáo viên

Trước các điều chỉnh trong dự thảo về bổ nhiệm và xếp hạng GV của Bộ GD&ĐT, cũng có những băn khoăn nhất định rằng trong trường hợp bị tụt từ hạng I xuống hạng II vì thiếu bằng thạc sĩ hoặc các trường hợp khác bị tụt hạng theo những quy định của các thông tư cũ, thì khi thông tư mới được thông qua, liệu họ có được phục hồi hạng cũ?

Về vấn đề này, Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ Quản lý (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo dự kiến quy định tại khoản 7 Điều 5 dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư 01-04, các trường hợp GV mầm non, phổ thông đã thực hiện việc bổ nhiệm từ các thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các thông tư 01-04 khi thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung không thực hiện việc truy thu tiền lương chênh lệch đã chi trả.

Như vậy, GV sẽ được bổ nhiệm lại vào hạng tương ứng nếu đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề theo yêu cầu của hạng và vẫn được bảo đảm các chế độ, chính sách theo quy định.

Theo ông Đức, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của GV, tiếp tục hoàn thiện dự thảo thông tư để bảo đảm công tác bổ nhiệm, xếp lương được triển khai thuận lợi, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.

Bộ GD&ĐT thông tin, trong quá trình thực hiện rà soát, sửa đổi các Thông tư 01-04, Bộ này cũng đã tổ chức lấy ý kiến của hơn 466.000 GV mầm non, phổ thông về một số nội dung định hướng sửa đổi, bổ sung và thu được hơn 280.000 phiếu có thông tin phục vụ cho việc xử lý, phân tích.

Ý kiến đóng góp của GV là căn cứ quan trọng để xác định phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ trên nguyên tắc tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan.

Các nội dung dự kiến điều chỉnh, bổ sung nói trên cũng đã được đa số GV mầm non, phổ thông đồng thuận. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đã xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm, xếp lương GV theo chức danh nghề nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm