“Có” trên văn bản chỉ đạo
Theo GS Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TPHCM, thì cần minh bạch khái niệm và cơ chế lợi nhuận trong giáo dục đại học tư thục hiện nay. “Né tránh khái niệm “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” trong giáo dục nói chung dường như đã góp phần khiến cho gần 20 năm nay việc triển khai mô hình đại học NCL luôn gặp trở ngại. Chính vì vậy chúng ta cần làm rõ các khái niệm này, chỉ ra nguyên nhân vì sao lại như vậy và điều mà chúng ta có được từ đó là gì khi mà “mảng mờ” này trong giáo dục đào tạo được minh bạch”.
Ảnh Văn Chung |
Phân tích một loạt các văn bản chỉ đạo của nhà nước trong những năm gần đây, ông Lê Viết Khuyến, nguyên vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Định hướng cho hoạt động của các trường ĐH tư thục là Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành tại quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế thay thế ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. “Cả hai quy chế này đều quy định các trường ĐH tư thục được xây dựng theo cơ chế cổ phần, cổ đông và có chia lợi nhuận cho những người góp vốn, không nhắc đến các thành phần đại diện cho đội ngũ giáo chức, sinh viên. Rõ ràng là khái niệm đại học tư thục thể hiện ở các quy chế nói trên đều mang đậm nét bản chất “vì lợi nhuận”” – ông Khuyến nhận xét.
Với sự ra đời của các quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, cho đến cuối năm học 2005 – 2006, trong khu vực giáo dục đại học NCL chỉ còn hai loại hình trường dân lập (19 trường) và tư thục, trong đó loại hình đầu còn mang một số sắc thái “không vì lợi nhuận”, song loại hình sau đã chuyển hẳn qua cơ chế vì lợi nhuận.
Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển toàn bộ 19 trường ĐH dân lập qua loại hình ĐH tư thục, trong khu vực giáo dục đại học, các yếu tố “không vì lợi nhuận” đã dần được thay thế bằng các yếu tố “vì lợi nhuận”.
Cơ chế nào cho “không vì lợi nhuận”?
Năm 2012, lần đầu tiên, tư duy về nền giáo dục mở, với sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được thể hiện trong văn bản pháp luật của Nhà nước (Luật Giáo dục đại học).
Tuy nhiên, đến nay Bộ GD-ĐT cũng mới đang dừng ở giải pháp (trên báo cáo) là “phối hợp với các bộ ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng cụ thể các chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận” và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận.
Về vấn đề này, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng những đề xuất khung pháp quy làm cơ sở cho hệ thống ĐH tư không vì lợi nhuận phải bảo đảm các yếu tố như: Một trường tư không vì lợi nhuận không thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng cũng không thuộc “sở hữu tư nhân” của chỉ những người góp vốn hoặc “sở hữu tập thể” của những người làm việc trong trường đó, mà thuộc “sở hữu cộng đồng”. Những người đại diện nhà trừơng có quyền khai thác nó để phục vụ cộng đồng nhưng không có quyền mua bán, chuyển nhượng. Hội đồng quản trị của đại học tư không vì lợi nhuận đại diện cho sở hữu cộng đồng này chứ không chỉ đại diện cho người góp vốn.
Nhà nước nên có chính sách miễn thuế cho các trường không vì lợi nhuận, thu thuế tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp sử dụng sản phẩn của các trường đại học để tái phân phối hỗ trợ cho trường.
Để đảm bảo tuyên bố “không vì lợi nhuận” của trường không phải là lời nói suông, phải có cơ chế kiểm toán chặt chẽ nhằm xác nhận việc tính không vì lợi nhuận đó được tuân theo trên thực tế.
Trường ĐH tư nào không chấp nhận các yêu cầu nêu trên để trở thành một trường không vì lợi nhuận thì phải tuân theo cơ chế vì lợi nhuận, lúc đó nhà trường được xem như một doanh nghiệp thông thường và phải đóng thuế.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng khái niệm “không vì lợi nhuận” ở nước ta nên hiểu là “không vì lợi nhuận tối đa”, nhưng có thể chấp nhận một mức lợi nhuận “hợp lý” cho những người góp vốn, như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư. Theo ý kiến một số người, mức lợi nhuận”hợp lý” có thể quy định cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng một ít.
Với GS Phạm Phụ thì ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận” là mô hình phù hợp hiện nay. Do Việt Nam chưa có truyền thống cho tặng cho giáo dục ĐH nên ĐH tư không vì lợi nhuận có lẽ chỉ có trong một số trường hợp riêng. Vì vậy cần khuyến khích phát triển các ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận”, ví dụ có mức lãi tối đa bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng. Có thêm 50% lãi suất là để bù đắp rủi ra cho một số rủi ro có thể có. Khi cung trong GD ĐH lên gần bằng cầu, mức rủi ro sẽ cao hơn, có thể hiệu chỉnh cao hơn con số 50% nói trên. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ trở thành sở hữu cộng đồng.
Khi đó, bên cạnh nhà đầu tư tư nhân, nhà nước và có thể cả các cơ sở ĐH công lập có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình để phát triển loại ĐH công – tư phối hợp. đây là một dạng ĐH mà Ngân hàng thế giới đang khuyến khích phát triển. Tất nhiên, vẫn có thể có cơ sở ĐH tư là “vì lợi nhuận” nhưng khi đó, chính sách của Nhà nước sẽ khác so với loại “nửa vì lợi nhuận”. Các loại ĐH “vì lợi nhuận” đều phải ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Với một ít các cơ sở ĐH “không vì lợi nhuận” thì nhà nước cần có tài trợ và ưu đãi đặc biệt.
Ông Lê Viết Khuyến cũng kiến nghị Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH và hình thức xã hội hoá trong từng lĩnh vực, cơ chế chính sách phù hợp. Không nên quan niệm tính chất không vì lợi nhuận chỉ biểu hiện ở việc cổ đông không hoặc chưa thu lợi nhuận.
Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở GD ĐH không vì lợi nhuận. Cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường đại học không vì lợi nhuận (hiện nay chưa có) và ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở này. Khi xây dựng quy chế có thể chấp nhận mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận theo kiểu của Trung Quốc hoặc Thái Lan (cho phép nhà đầu tư được nhận lợi tức với một tỉ lệ hợp lý xem như phần thưởng).
Chỉ những cơ sở GD ĐH nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận mới được quyền hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
- Theo Chi Mai (VNN)