Học cao vẫn thất nghiệp: Lỗi do đào tạo

Cử nhân quản trị kinh doanh Trần Thanh Vũ (phải) tư vấn chọn cá cảnh cho khách hàng tại Công ty TNHH TM&DV Hải Thanh, Q.7, TP.HCM. Thất nghiệp, làm trái ngành là tình trạng phổ biến của lao động bậc cao hiện nay - Ảnh: Quang Định 

Số liệu trên do Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra, theo khảo sát dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Người thất nghiệp, theo đó, là người trong một tuần trước cuộc khảo sát họ không làm việc gì trong vòng ít nhất 1 giờ, bất cứ việc gì.

Trong cuộc trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định một bộ phận trí thức Việt thất nghiệp hoặc làm công việc có thu nhập kém “vì VN đã quá thừa lao động trình độ CĐ, ĐH kém chất lượng”. Ông có cuộc trao đổi với PV.

* Có gần 160.000 lao động trình độ CĐ trở lên thất nghiệp. Vì sao có tình trạng dư thừa như vậy, thưa ông?

Ông Doãn Mậu Diệp - Ảnh: Tây Giang

Ông Doãn Mậu Diệp - Ảnh: Tây Giang

"Với doanh nghiệp, hàng hóa tồn kho hai năm là chết, nhưng các trường đại học thì tồn kho bao nhiêu cũng không chết vì người mua phải trả trước để cho trường hoạt động mà không cần biết sản phẩm đào tạo có dùng được hay không"

Ông DOÃN MẬU DIỆP

- Nước ta vẫn tự hào vì chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhưng bản chất là người Việt có thời gian học tập dài. Có thể do học nhiều quá, học không theo nhu cầu thị trường về cơ cấu, chất lượng nên thất nghiệp nhiều là điều tất yếu. Có thông tin ở Thanh Hóa có 25.000 cử nhân không có việc làm tính đến cuối năm 2012, Nghệ An có 12.000 cử nhân chưa có việc. Một tỉnh nhỏ như Trà Vinh cũng thừa khoảng 5.000 cử nhân. Ở Bến Tre độ 7.000/10.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12 hằng năm vào ĐH, nhưng chỉ có 1.000 em học hệ vừa làm vừa học ở những trung tâm giáo dục thường xuyên, số học nghề cả trung cấp, CĐ trên địa bàn tỉnh khoảng 800 người.

Hà Tĩnh hằng năm cũng có 10.000-11.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12, có 7.000 em vào ĐH, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh thu hút được khoảng 700 em.

Một cơ cấu nhân lực rất bất hợp lý như thế thì khó hi vọng là học xong sẽ có việc làm, thất nghiệp là chuyện đương nhiên.

* Bộ Lao động - thương binh và xã hội chẳng phải là cơ quan được giao giữ vai trò điều tiết ngành nghề, kết nối đào tạo với thị trường đó sao?

- Chúng tôi đi khảo sát thấy có những đơn hàng doanh nghiệp cần tuyển 100 lao động kỹ thuật nhưng đỏ mắt tìm không ra. Trong khi đó các trường nghề, trường trung cấp, thậm chí CĐ cũng kêu là khó tuyển sinh vì các em khá đã vào ĐH rồi. Ở Thái Lan chỉ mới có 65% học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH mà chính phủ đã lo ngại, phải điều chỉnh lại cơ cấu này. Việc điều chỉnh phải ở tầm chính phủ, các bộ không làm nổi.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy giữa đào tạo với sử dụng lao động có độ vênh, ví dụ học trung cấp mất hai năm, ĐH bốn năm, vậy phải tính toán để biết trong hai hay bốn năm tới nền kinh tế này cần những chủng loại lao động nào, học vấn ra làm sao, số lượng bao nhiêu? Cứ nói “đào tạo theo nhu cầu của thị trường” nhưng điều tiết nhu cầu thị trường giữa các cơ sở đào tạo thế nào thì chưa có.

* Quy hoạch nhân lực quốc gia cho thấy tới năm 2015 VN cần khoảng 3,5 triệu lao động trình độ ĐH trở lên, nhưng thực tế cuối năm 2013 đã có hơn 3,7 triệu lao động có trình độ này. Như vậy nếu nhìn vào số liệu này, có phải đào tạo hệ CĐ-ĐH sẽ tiếp tục gây dư thừa trên thị trường lao động?

- Tôi có theo dõi ba trường công lập lớn của Singapore như ĐH Quốc gia Singapore hay ĐH Công nghệ của họ thì thấy vai trò hướng nghiệp rất quan trọng, kết quả là 95% sinh viên ra trường có việc làm sau sáu tháng. VN có chính sách cho sinh viên vay vốn để học tập tốt nhưng thiếu đội ngũ hướng nghiệp bài bản. Thiếu hoàn toàn thông tin về thị trường thì làm sao hướng nghiệp nổi!

Thực tế nói thừa lao động thì chưa hẳn, nhưng chất lượng đào tạo và chất lượng lao động thì chưa đáp ứng được.

* Thưa ông, ông thấy ngành nghề gì đang khó tìm việc ở giai đoạn hiện nay? Hướng tới cần những thay đổi gì để mối quan hệ thị trường và đào tạo liên thông, hỗ trợ nhau hơn?

- Có những ngành xã hội rất cần nhưng ra trường không có việc làm, ví dụ như nghề công tác xã hội, mặc dù xã hội cần nhưng ra trường lại khó tìm việc. Hay những ngành như cử nhân lịch sử, cử nhân tâm lý, giáo viên vật lý cũng đang trong nhóm khó kiếm việc làm.

Tuy nhiên tôi xin nói thêm là các số liệu đưa ra hiện nay chỉ là ước đoán, vì thật sự chưa có cuộc điều tra nào. Ở các nước có hệ thống quan sát thị trường lao động, điều tra cụ thể năm tới hoặc trong vòng năm năm tới họ cần những loại lao động nào, đào tạo ra sao, từ đó điều tiết đào tạo. Như vậy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo cần phải tăng cường hơn, dựa trên sự điều phối của Chính phủ.

Theo TÂY GIANG - LAN ANH (TTO) thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm