Nên làm gì khi bị lừa đảo qua mạng?

(PLO)- Khi đã bị lừa đảo qua mạng, trước tiên nên trình báo cơ quan công an để tiếp nhận, điều tra, xử lý vụ án theo quy định của pháp luật...

Thời gian qua, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã xảy ra vô số trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng những chiêu thức cùng những thủ đoạn vô cùng tinh vi khiến các nạn nhân sập bẫy. Chúng khiến các nạn nhân tin tưởng và chuyển khoản cho chúng một số tiền, nhiều nạn nhân đã bị lừa và chuyển với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.

Dù các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông, báo đài… liên tục thông tin, cảnh báo, khuyến cáo thế nhưng vẫn còn nhiều người dân vẫn chưa nắm bắt để rồi trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo qua mạng này.

Trước tình hình đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết khi người dân đã bị lừa đảo qua mạng, trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo nên nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để phong tỏa tài khoản. Đồng thời, trình báo đến cơ quan công an để tiếp nhận, điều tra, xác minh xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Do đặc điểm của tội phạm lừa đảo qua mạng mang tính ẩn danh, giả danh hoặc đối tượng hoạt động có tính quốc tế cao; chúng chuẩn bị sẳn phương án để xóa dấu vết, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan điều tra nên tỉ lệ điều tra các vụ án lừa đảo qua mạng hiện nay khá thấp so với tỉ lệ điều tra án nói chung.

EF3B142B-AF0A-4882-9B19-739F9D799A63.jpeg
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

"Tuy nhiên, cơ quan công an thời gian qua cũng đã liên tiếp khám phá nhiều vụ án, tổ chức tội phạm có số lượng lớn, với hàng trăm nạn nhân. Vì vậy, việc người dân tham gia tố giác tội phạm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ giúp cơ quan công an trong công tác tập hợp tình hình, tuyên truyền và điều tra vụ án, xử lý đối tượng.

Trong quá trình điều tra các vụ lừa đảo qua mạng có chuyển tiền qua tài khoản, cơ quan công an có quyền yêu cầu các ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, ngăn chặn và phục vụ điều tra vụ án theo quy định của pháp luật” - Thượng tá Hà nói.

Thượng tá Hà cũng cho biết thêm, ngoài giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân. Lãnh đạo Bộ Công an và Công an TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá án về tội phạm lừa đảo qua mạng như:

- Triển khai dự án cấp CCCD, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành, Ngân hàng nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo…;

- Củng cố, tăng cường lực lượng, phương tiện, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm;

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, nắm và giải quyết tình hình vụ việc ngay tại cơ sở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm